Lọc hóa Dầu Bình Sơn dự chi hơn 2.000 tỷ đồng để trả cổ tức
Với hơn 3,1 tỷ cổ phiếu lưu hành, ước tính Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ phải chi tới 2.170 tỷ đồng tiền cổ tức.
Mới đây, CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (MCK: BSR, UPCoM) vừa công bố chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/8/2034 để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt năm 2022. Được biết doanh nghiệp này là chủ sở hữu của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ tiến hành trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương đương với mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu sẽ được nhân thêm 700 đồng. Hiện công ty đang có hơn 3,1 tỷ cổ phiếu lưu hành, ước tính Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ phải chi tới 2.170 tỷ đồng để hoàn thành việc chi trả.
Như vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)- công ty mẹ nắm giữ hơn 92% vốn BSR, dự kiến có thể thu về hơn 1.996 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức này. Các cổ đông nhỏ khác nhận phần cổ tức còn lại.
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính quý I/2023 của BSR ghi nhận doanh thu đạt 34.065 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính lên đến gần 810 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 127,5% so với quý I/2022.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi phí tài chính ở mức gần 639 tỷ đồng; chi phí bán hàng 325,3 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 88,5 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 1.621 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, BSR đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 95.644 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.820 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.628 tỷ đồng. Với mục tiêu đề ra khá thận trọng, chỉ sau quý đầu năm, BSR đã thực hiện được 99,6% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm.
Bên cạnh đó, năm nay Lọc hóa Dầu Bình Sơn cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE trong năm nay. Lãnh đạo doanh nghiệp nói đã đáp ứng được 8/9 điều kiện để chuyển sàn và kỳ vọng thực hiện vào đầu quý III.
Điều kiện chưa đáp ứng của chủ nhà máy lọc dầu này là: "Không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên được soát xét trong trường hợp đăng ký niêm yết sau ngày kết thúc của kỳ lập báo cáo tài chính bán niên".