“Lợi bất cập hại” từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu

Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu trên thực tế đang mang lại nhiều bất cập khi nhà đầu tư phải “gánh” nhiều khoản thuế, phí không đáng có.

Hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu là hình thức rất phổ dụng trên thị trường chứng khoán toàn cầu tuy nhiên xét trên bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam, hình thức này đang mang lại nhiều bất cập mà không có lợi ích cụ thể.

Về mặt nhà đầu tư

+ Phát sinh thuế khi bán cổ phiếu: theo quy định hiện hành, nhà đầu tư cá nhân phải đóng 5% mệnh giá (10.000 đồng) nếu giá giao dịch trên 10.000 đồng và 5% giá giao dịch nếu giá giao dịch nhỏ hơn 10.000 đồng. Khoản thuế này chưa bao gồm 0,1% thuế TNCN mặc định khi giao dịch bán cổ phiếu.

+ Thiệt hại về mặt thời gian chờ đợi cổ phiếu: Nhà đầu tư thông thường cần chờ đợi trung bình khoảng 2 tháng theo thông lệ chứng khoán Việt Nam từ khi ngày chốt quyền cho đến khi có thể giao dịch cổ phiếu. Điều này lấy đi quyền tự quyết của nhà đầu tư trong giai đoạn này. Thiệt hại đặc biệt lớn có thể xảy ra khi thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng.

+ Thiệt hại về phí lưu lý chứng khoán: Số cổ phiếu tăng lên sẽ làm tăng tương ứng phí lưu ký phải trả. Hiện nay phí lưu ký đang quy định ở mức 0,27VND/cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm/tháng.

Như vậy đối với nhà đầu tư, có 03 vấn đề phát sinh mà không có bất cứ lợi ích thực tế nào

Về mặt doanh nghiệp  

Phát sinh quy trình và nghiệp vụ phát hành: để phát hành cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng, các doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện nhiều bước theo quy định hiện hành như họp đại hội đồng cổ đông, phát hành nghị quyết, được sự chấp thuận của cơ quản quản lý.

Về mặt lợi ích, hành động trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ thay đổi ghi nhận kế toán từ khoản mục "lợi nhuận sau thuế chưa phân phối" sang khoản mục"vốn đầu tư của chủ sở hữu". Thực tế là không có phát sinh dòng tiền và lợi ích cụ thể nào được ghi nhận cho doanh nghiệp.

Góc nhìn từ cơ quan thuế  

"Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối" được hiểu là nguồn tiền cần được thu thuế khi phân phối cho cổ đông. Do đó cổ tức phát sinh từ "lợi nhuận sau thuế chưa phân phối" phải đóng thuế không phân biệt cổ tức bằng tiền hay cố tức bằng cổ phiếu.

Luận điểm trên khá hợp lý tuy nhiên cổ tức bằng cổ phiếu khác cổ tức bằng tiền ở việc dòng tiền vẫn ở lại công ty và tiếp tục đi vào hoạt động kinh doanh sản xuất qua đó mở rộng quy mô doanh nghiệp cũng như các khoản thuế sẽ đóng trong tương lai. Do đó xét về nguồn thu thuế, đây có thể là lợi ích có được trong dài hạn ngược với quan điểm thất thu trong hiện tại.

Trên thế giới việc thu thuế thường diễn ra theo hai hướng chính. Thứ nhất là phát sinh thuế khi có lợi nhuận. Thứ hai là phát sinh thuế theo từng lần giao dịch như cách Việt Nam đang áp dụng cho nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên cách áp dụng thuế 5% trên cổ tức bằng cổ phiếu thưởng vô hình chung tương đương với việc áp dụng cùng lúc hai sắc thuế lên nhà đầu tư cá nhân trong khi bản chất của cổ tức bằng cổ phiếu tương đương với việc chia tách cổ phiếu ("stock splitting") không mang lại lợi ích hiện hữu nào cho nhà đầu tư.

Do đó, cơ quan thuế có thể cân nhắc việc loại bỏ hoàn toàn hình thức thu thuế này để phù hợp với thông lệ thế giới đồng thời có tính thực tiễn cao khi áp dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam có thể cân nhắc bỏ hoàn toàn hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu vì lợi ích chung của tất cả các bên liên quan cho đến khi có sự thay đổi trong chính sách, điều mà trong điều kiện thuận lợi sẽ tốn khoảng 5-10 năm.

Võ Duy Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT