Lời hứa ‘không có khoản đầu tư nào an toàn hơn bất động sản’ vỡ tan tại Trung Quốc
Một cuộc khủng hoảng toàn diện đang diễn ra tại thị trường bất động sản Trung Quốc.
Công ty đầu tư lớn nhất Trung Quốc, Citic Trust, đã tuyên bố như sau khi đặt mục tiêu huy động 1,7 tỷ USD hồi năm 2020: ‘Không có khoản đầu tư nào an toàn hơn bất động sản’.
Quỹ tín thác, chi nhánh đầu tư của tập đoàn tài chính nhà nước Citic, coi nhà ở là “khoản đầu tư giá trị không thể thiếu”. Số tiền huy động được sẽ dùng để hỗ trợ 4 dự án của Sunac China Holdings - một nhà phát triển lớn.
Ba năm sau, các nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ Citic chỉ thu lại được một phần nhỏ. Ba trong số các dự án xây dựng đang bị tạm dừng hoặc trì hoãn do thiếu thanh khoản. Bản thân Sunac cũng vỡ nợ.
Một cuộc khủng hoảng toàn diện đã diễn ra. Ngân sách chính quyền địa phương vốn phụ thuộc vào nguồn thu bất động sản mất ổn định. Cú sốc đối với hệ thống tài chính khiến thị trường vốn cạn kiệt.
Trong tháng này, China South City Holdings, nhà phát triển được nhà nước hậu thuẫn cảnh báo rằng công ty khó có thể trả lãi cho khoản nợ nước ngoài. Hywin Wealth Management, một nhà đầu tư bất động sản lớn khác cũng đang phải trì hoãn một số khoản vay với lý do “kinh tế suy thoái”.
Niềm tin vào lĩnh vực đầu tư vốn lung lay. Vào tháng 11, tập đoàn tài chính khổng lồ trị giá 140 tỷ USD Zhongzhi Enterprise Group tuyên bố “mất khả năng thanh toán nghiêm trọng”. Bộ phận quản lý tài sản cho biết công ty đang thiếu hụt 36 tỷ USD.
Về phần mình, giới chức Trung Quốc trong tháng này cam kết “giải quyết rủi ro bất động sản một cách tích cực và thận trọng”, đồng thời giúp các công ty đáp ứng “nhu cầu tài chính hợp lý”. Andrew Collier, giám đốc điều hành tại Orient Capital, một công ty nghiên cứu kinh tế ở Hồng Kông, cho biết: “Ba năm trước, không ai có thể tưởng tượng được số lượng các công ty vỡ nợ như hôm nay”.
Các công ty như Citic từng được coi là cánh tay của hệ thống ngân hàng ngầm, chuyên bán sản phẩm đầu tư cho các công ty và cá nhân giàu có. Phía nhà phát triển bất động sản đã dựa vào các công ty này để gia hạn khoản vay và đầu tư vào những doanh nghiệp được cho là rủi ro đối với ngân hàng truyền thống. Các quỹ tín thác biến khoản vay thành sản phẩm đầu tư, sau đó bán lại với lời hứa sinh lời khủng.
Thị trường bùng nổ khi Citic Trust thành lập Quỹ đầu tư Junkun, huy động 1,7 tỷ USD cho Sunac sử dụng. Với giá trị các bất động sản tăng vọt, các nhà đầu tư được cam kết sẽ lấy lại được tiền cũng như một phần lợi nhuận chỉ sau 3 năm.
Celina Zhang khi đó đã đầu tư khoảng 420.000 USD, một phần tiết kiệm đáng kể của mình, vào quỹ này. Cô nói mình được đảm bảo nhận đủ cả gốc lẫn lãi với lợi nhuận hàng năm vượt quá 7,5%.
“Lúc đó tôi khá tin tưởng vào bất động sản. Giá nhà đất đều tăng”, Zhang nói.
Tuy nhiên, các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 đã khiến quá trình xây dựng gián đoạn. Hoạt động bán bất động sản cũng bị ảnh hưởng.
Trong một tuyên bố, Citic Trust cho biết họ “đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng”, đồng thời đạt được “một số tiến bộ” trong việc giảm thiểu rủi ro xuất phát từ thị trường bất động sản. Công ty từ chối bình luận về quỹ Junkun.
Cũng trong khoảng thời gian quỹ được thành lập, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, lo ngại bong bóng nhà đất và đầu cơ liều lĩnh, đã đưa ra các quy định mới nhằm hạn chế vay nóng quá mức. Điều này vô hình chung khiến các nhà phát triển gặp một số vấn đề trong việc huy động tiền mặt.
Tác động đối với các khoản đầu tư của Citic là rất lớn. Citic Trust đã buộc phải đình chỉ xây dựng vào năm ngoái đối với dự án Thành Đô, sợ rằng doanh số bán hàng không thể theo kịp chi phí xây dựng.
Đối với dự án bất động sản thương mại và nhà ở hỗn hợp ở thành phố Thiệu Hưng, doanh số bán hàng ban đầu rất chậm chạp. Citic đã cân nhắc bán dự án vào tháng 1 song lại gặp khó khăn trong việc tìm người mua.
Khi khoản đầu tư Citic đáo hạn vào tháng 10, cô Zhang nhận được khoảng 80.000 USD dù không rõ đó là tiền lãi từ khoản đầu tư hay một phần tiền gốc 420.000 USD.
Vào tháng 11, Citic Trust tổ chức một cuộc họp mang tính trấn an. Đại diện công ty cho biết dự án vẫn giữ được một số giá trị nhất định, đồng thời bày tỏ hy vọng chính sách thúc đẩy của chính phủ sẽ giúp ích trong tương lai.
“Tiền chưa đến nên chắc chắn mọi người sẽ lo lắng và tức giận. Điều này là bình thường. Đừng quá tức giận”, đại diện Citic Trust nói.
Theo: FT