Long đong số phận khách sạn Daewoo 7.000 tỷ: Từ vụ cắt nợ của tập đoàn Hàn Quốc đến khoản thế chấp phát hành hàng nghìn tỷ trái phiếu của DN liên quan Vạn Thịnh Phát

Trong phiên xét xử ngày 15/3, bà Trương Mỹ Lan đã có đề nghị dùng nhiều tài sản để khắc phục hậu quả trong vụ án Vạn Thịnh Phát, trong đó có Khách sạn Daewoo.

Daewoo Hà Nội là một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội, đã qua nhiều lần đổi chủ. Theo tìm hiểu, khách sạn này được xây dựng vào năm 1996, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cựu Chủ tịch Daewoo Kim Woo-choong. Sau khi hoàn thành, khách sạn Dewoo Hanoi đã trở thành một biểu tượng của Hà Nội không chỉ bởi quy mô mà còn nằm ở vị trí đắc địa, là điểm kết nối giữa trung tâm chính trị Ba Đình với khu hành chính.

Tọa lạc tại "đất vàng" nơi trung tâm cửa ngõ phía tây TP.Hà Nội với 411 phòng, Dewoo Hanoi tạo ấn tượng với giới doanh nhân và chính khách trong và ngoài nước bởi một lối kiến trúc cổ điển mang nét đẹp sang trọng, tinh tế. Khách sạn Daewoo từng đón tiếp các chính trị gia lớn như cựu Tổng thống Mỹ Clinton, Tổng thống Nga Putin, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào...

Khai tại toà, bà Trương Mỹ Lan cho biết Daewoo hiện là tài sản của CTCP Bông Sen, gia đình bị cáo có 73% cổ phần tại công ty này. Con gái bà cũng đề nghị bán khách sạn để lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án nhưng bà Lan nói "đang vướng cổ phiếu".

"Trước đây Bông Sen cho mượn khách sạn để đi phát hành trái phiếu. Vướng cổ phiếu thì khó mà thu hồi", bà Trương Mỹ Lan nói. Song, bà Trương Mỹ Lan vẫn đề nghị HĐXX nếu thu hồi được thì đưa vào giải quyết hậu quả vụ án.

Cụ thể thương vụ này, theo thông tin từ HNX, CTCP Bông Sen có một lô trái phiếu đang lưu hành mã BSECH2126003 với tổng giá trị 4.800 tỷ đồng. Lãi suất được được công bố ở mức 10,5%/năm, được CTCP Chứng khoán TVSI lưu ký. Từ tháng 7/2022, công ty đã liên tục chậm trả tiền lãi của lô trái phiếu nói trên, đưa số tiền gốc và lãi chậm trả lên đến gần 5.500 tỷ vào tháng 10/2023.

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ của Bông Sen vào tháng 8/2023, công ty cho biết phát hành 4.800 tỷ đồng trái phiếu nói trên để hợp tác đầu vào dự án 152 Trần Phú.

Do phía Cơ quan Điều tra đang làm việc về các nội dung trái phiếu trong đó có trái phiếu của Bông Sen. Ngoài ra, toàn bộ dòng tiền liên quan đến số trái phiếu trên cũng bị Bộ Công An điều tra lại. Vì vậy ban lãnh đạo đã xin ý kiến cổ đông phê duyệt nội dung thanh lý tài sản để xử lý trái phiếu. Việc này sẽ được thực hiện sau khi có kết luận và phương án xử lý của Cơ quan Điều tra vì hiện nay công ty không được phép thực hiện các việc thay đổi dịch chuyển tài sản. 

Lao đao đổi chủ giai đoạn khủng hoảng toàn cầu

Thực tế, Daewoo trải qua 3 đời chủ trước khi về tay Vạn Thịnh Phát. Trong đó, "ông chủ" đầu tiên của khách sạn là Công ty TNHH Daeha - công ty liên doanh được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa phía Việt Nam (đại diện là Hanel - tên ngày nay là CTCP Hanel) và Hàn Quốc (Daewoo).

Giai đoạn khủng hoảng toàn cầu nổ ra, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc yêu cầu Daewoo bán bớt tài sản ngoài cốt lõi của mình để giảm tỷ lệ nợ, trong đó có khách sạn Daewoo.

Khi đó, Hanel có vẻ không mặn mà với việc mua lại khách sạn từ đối tác nên Daewoo chuyển hướng muốn bán cho đối tác “đồng hương” Hàn Quốc là Lotte. Thời điểm đó, Daewoo thông báo sẽ bán toàn bộ 70% vốn tại liên doanh Daeha cho Lotte với giá 111 triệu USD. Thậm chí, có thông tin cả hai đã ký một biên bản ghi nhớ mà theo đó Lotte sẽ sở hữu 100% cổ phần của Daewoo tại Daeha để xây dựng kết hợp với khu lân cận tạo thành Lotte Town. 

 Bất ngờ xảy ra sau đó khi Hanel thực hiện “quyền ưu tiên” trong liên doanh, qua đó trở thành chủ sở hữu 100% khách sạn Daewoo Hà Nội, đồng thời khiến thương vụ Daewoo - Lotte đổ bể vào phút chót.

Sau rất nhiều biến động, đến đầu tháng 4/2012, lãnh đạo Daewoo Hàn Quốc chính thức thông báo: "Hanel, hiện nắm giữ 30% cổ phần tại Khách sạn Daewoo Hà Nội, đã đồng ý mua lại 70% cổ phần còn lại từ Daeha, chủ sở hữu và nhà điều hành khách sạn và công ty con địa phương của Daewoo E&C có trụ sở tại Việt Nam".

Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng nhiều nguồn tin trong nước cho rằng Hanel phải chi 100 triệu USD để trở thành chủ nhân duy nhất của Daewoo. Còn một tờ báo Hàn Quốc khẳng định, giá trị sổ sách của Daewoo là 17,1 tỷ won. Số tiền Daewoo thu được từ việc bán khách sạn để cơ cấu lại nợ khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ đồng).

Về tay Vạn Thịnh Phát

Lúc bấy giờ, Hanel giành quyền mua 70% vốn nhưng lại nhanh tay chuyển nhượng tất cả cho 2 công ty trong nước. Hai ông chủ mới của Daewoo Hà Nội được "hé lộ" là CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và CTCP Đầu tư Hợp Thành 1.

Đến năm 2015, khi hai công ty trên vừa hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho thương vụ thâu tóm khách sạn Daewoo Hà Nội, "chủ nhân mới" lại bất ngờ xuất hiện.

CTCP Bông Sen (tên giao dịch là Bông Sen Corp) công bố tại ĐHĐCĐ năm 2015 có kế hoạch đầu tư 3.650 tỷ đồng để sở hữu 51% vốn khách sạn Daewoo Hà Nội. Như vậy, tổ hợp khách sạn Daewoo được định giá lên tới gần 7.160 tỷ đồng.

Đến năm 2016, Bông Sen Corp cho biết đã mua được 34,83% vốn khách sạn. Sau đó, Bông Sen Corp không công khai tiến độ thương vụ này. Cho đến phiên toà mới đây, qua lời khai của bà Trương Mỹ Lan thì Bông Sen Corp là chủ của khách sạn Daewoo.

Theo thông tin chúng tôi được biết, Bông Sen Corp đã mua 73% vốn cổ phần của CTCP Hợp Thành 1 - đơn vị nắm 70% vốn của Daewoo, do đó tỷ lệ sở hữu của Bông Sen Corp tại Daewoo là 51%.

Bông Sen Corp là một cái tên có tiếng trên thị trường bất động sản phía Nam khi sở hữu hàng loạt nhà hàng, khách sạn ở những khu vực "đất vàng" tại trung tâm TP.HCM như Khách sạn Bông Sen Sài Gòn, Khách sạn Palace Saigon, Khách sạn Bông Sen Annex, nhà hàng Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Vietnam House, Buffet Gánh Bông Sen...

Tri Túc

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT