Lùm xùm chuyện xả thải, công ty của ông Trương Sỹ Bá làm ăn ra sao?
Đặt tham vọng kế hoạch lợi nhuận 301 tỷ đồng trong năm 2023 nhưng ngay trong quý đầu năm BAF đã báo lãi sụt giảm gần 96% xuống còn vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng.
Quy mô vốn điều lệ "lớn nhanh như thổi"
Bắt đầu thành lập từ năm 2017, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF (HoSE:BAF) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi heo với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến.
Vốn điều lệ của công ty tại thời điểm thành lập là 30 tỷ đồng trong đó 80% thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Nghĩa; phần còn lại thuộc về 2 cá nhân là ông Lê Thọ Xuân và Nguyễn Anh Tuấn với tỉ lệ chia đều. Chỉ 4 tháng sau khi thành lập, BAF đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, tại thời điểm tháng 6/2022, sau 5 lần tăng vốn, “ông chủ” của thương hiệu heo ăn chay đã tăng vốn điều lệ lên mức 1.435 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 47 lần so với số vốn ban đầu.
Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, BAF đã thông qua việc phát hành cổ phiếu ESOP tỷ lệ 5% và chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 100:47 (47,677%) với giá bán 10.000 đồng/cổ phần.
Tổng số tiền thu về dự kiến là 750 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên 2.435 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động chăn nuôi, kinh doanh nông sản, góp vốn vào các công ty con để thực hiện xây dựng trang trại.
Sóng chuyển dịch cổ phiếu
Tháng 3/2022, ông Trương Sỹ Bá, người đang giữ cương vị là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, chính thức giữ chức Chủ tịch HĐQT BAF. Sự kiện này đã cụ thể hóa sự hiện diện của Tập đoàn Tân Long tại BAF.
Đáng chú ý, sau đó, công ty đã ghi nhận làn sóng “mua vào - bán ra" đến từ nhiều lãnh đạo cấp cao của BAF.
Theo đó, ông Phan Ngọc Ấn đã bán toàn bộ 2,4 triệu cổ phiếu tương đương với tỉ lệ 1,73% trong phiên 27/12/2022. Ông Lê Xuân Thọ - Thành viên HĐQT bán 795.000 đơn vị cổ phiếu trong thời gian 28/12/2022 – 10/1/2023. Sau giao dịch, sở hữu của ông Thọ tại BAF giảm từ 0,58% xuống 0,03%.
Bên cạnh đó, bà Bùi Hương Giang - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã hoàn thành bán 499.750 đơn vị trong thời gian 27/12/2022 – 9/1/2023. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu BAF của bà Giang giảm từ 5,16 triệu đơn vị xuống 4,66 triệu đơn vị, tỉ lệ sở hữu giảm tương ứng từ 3,6% xuống 3,25%.
Ở chiều ngược lại, Siba Holdings, doanh nghiệp liên quan đến Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá đã liên tục tăng sở hữu. lần gần nhất trong khoảng thời gian từ 27/12/2022-10/1/2023, Siba Holdings đã hoàn tất mua vào hơn 4,53 triệu cổ phiếu BAF.
Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu BAF mà Siba Holdings sở hữu tăng từ 53,56 triệu đơn vị lên 58,09 triệu đơn vị, tỉ lệ sở hữu tăng tương ứng từ 37,32% lên 40,48%.
Lợi nhuận rơi từ đỉnh xuống đáy
Về tình hình kinh doanh, năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đạt 17.288 tỷ đồng, riêng mảng kinh doanh nông sản là 16.862 tỷ đồng. Lợi nhuận trong năm 2019 của BAF chỉ đạt ngưỡng 13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2020-2022, công ty đã có bước tiến lớn về lợi nhuận dù cho doanh thu giảm đều từ 12.845 tỷ đồng năm 2020 xuống còn 7.083 tỷ đồng vào năm 2022. Theo đó, năm 2021, BAF báo lãi kỷ lục 321 tỷ đồng, gấp 7 lần so với năm 2020.
Nguyên nhân là do giai đoạn này tỉ suất lợi nhuận mảng chăn nuôi cao hơn nông sản nên BAF đã thay đổi chiến lược kinh doanh, giảm tỉ trọng ngành thương mại nông sản thuần túy sang chăn nuôi theo mô hình khép kín.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, quý I/2023 BAF ghi nhận doanh thu đạt 816 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu của BAF đến từ bán nông sản với 58%. Tuy nhiên, doanh thu từ mặt hàng trên trong quý I/2023 đã “lao dốc" từ 1.245 tỷ đồng xuống chỉ còn 475 tỷ đồng, tương đương giảm 63%.
Mặc dù giá vốn hàng bán có sự tiết giảm nhưng lợi nhuận gộp của công ty vẫn giảm từ 141 tỷ đồng trong quý I/2022 xuống còn 63 tỷ đồng trong quý I/2022.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận của BAF chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, giảm 95,5% so với số lãi 87,7 tỷ đồng vào quý I/2022. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất từ khi ông chủ “heo ăn chay" niêm yết tới nay.
Theo chia sẻ của ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BAF, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành thời gian qua, tổng đàn heo của Việt Nam bị hao hụt 20-25%. Ngoài ra, giá heo giao dịch quanh vùng đáy đã khiến nông hộ bán ra ồ ạt và hạn chế việc tái đàn, nông hộ phụ thuộc vào con giống nên giá vốn lên đến 53.000-54.000đ/kg. Dưới tác động của dịch bệnh, dự kiến giá heo sẽ tăng trở lại vào các tháng tiếp theo.
BAF đang thực hiện tăng quy mô đàn để đón sóng tăng giá heo trong thời gian sắp đến. Định hướng tiếp tục mở rộng hệ thống trang trại hiện đại, đưa vào vận hành thêm 9 trại vào cuối năm 2024.
Năm 2023, BAF lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.526 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 815/QĐ-XPHC xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với trại chăn nuôi lợn thuộc hệ thống của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Hình thức xử phạt chính phạt tiền với trại lợn vi phạm là 132 triệu đồng, cộng thêm các khoản chi phí bổ sung thi hành và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, tổng số tiền phải nộp là hơn 154,2 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, BAF cho biết, nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường trong hoạt động chăn nuôi, tuân thủ cam kết với người dân và chính quyền địa phương về việc di dời heo khỏi trại trước ngày 11/7/2023.
Vào ngày 19/5/2023, BAF đã gửi văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng thuê trại Hòa Bình với hộ kinh doanh của bà Hương. Dự kiến, ngày 30/6/2023, BAF sẽ hoàn tất di dời toàn bộ số heo ra khỏi trại.
BAF cho biết công ty luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và tuân thủ pháp luật môi trường. Vì vậy, các trại thuê luôn có những quy định, thỏa thuận cụ thể với các chủ trại về trách nhiệm tuân thủ pháp luật môi trường.