Lý do không chấp nhận kháng cáo thay bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm bỏ trốn

HĐXX phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của người thân, luật sư bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo đang bị truy nã hoặc bỏ trốn khác do không thuộc trường hợp được kháng cáo thay.

Hôm nay (22/5), TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà xét xử phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của người liên quan trong vụ Công ty AIC. Trong số 36 bị cáo, có 15 người có đơn kháng cáo hoặc được luật sư và người thân kháng cáo thay. 

Về việc kháng cáo bản án sơ thẩm của các luật sư bào chữa thay cho các bị cáo bị xác định bỏ trốn, đại diện VKS giữ quyền công tố cho biết, sau phiên tòa sơ thẩm, các luật sư kháng cáo thay các bị cáo bị xét xử vắng mặt ở phiên tòa sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bị cáo và người liên quan, để đảm bảo việc xét xử đúng luật, khách quan dù các bị cáo không có mặt tại tòa, trên nguyên tắc có lợi nhất cho bị cáo, đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xét xử theo đúng quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự. Căn cứ vào quy định của pháp luật và bản án sơ thẩm, đại diện VKS đề nghị HĐXX giải quyết vụ án trên cơ sở các bị cáo bỏ trốn.

ly-do-khong-chap-nhan-khang-cao-thay-ba-nguyen-thi-thanh-nhan-va-dong-pham-bo-tron-1684731096.jpg
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Mai Anh Tài. Ảnh: Zing.vn

Luật sư bào chữa cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các bị cáo bỏ trốn khác cho hay, họ không nhận được ủy quyền của những bị cáo này. Tuy nhiên, dựa trên bản án sơ thẩm nêu: “các luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án”, do đó họ đã làm đơn kháng cáo thay thân chủ của mình.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) cho biết, hai người này trực tiếp gửi đơn kháng cáo từ Mỹ về. 

Luật sư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết còn cho biết bị cáo tự mình viết đơn kháng cáo gửi về. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, bị cáo cũng có đơn xin xét xử vắng mặt. Bị cáo vận động gia đình bồi thường số tiền mà bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo phải hoàn trả. Luật sư đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử đối với đơn kháng cáo của bị cáo Thuyết.

Sau khi thảo luận, chủ tọa Mai Anh Tài thay mặt HĐXX, cho biết từ giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, TAND Hà Nội đã tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với bà Nhàn và 7 bị cáo bị truy nã theo đúng thủ tục. Tòa cũng yêu cầu các bị cáo ra đầu thú để được hưởng khoan hồng, nhưng cho đến phiên phúc thẩm ngày 22/5, các bị cáo vẫn vắng mặt.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án sơ thẩm được niêm yết công khai tại nơi cư trú của các bị cáo theo quy định. Đến giai đoạn phúc thẩm, HĐXX thấy 8 bị cáo bỏ trốn từ giai đoạn điều tra, bị CQĐT truy nã, đến nay chưa có kết quả. 

Đồng thời, HĐXX cũng cho hay, khi hết thời hạn kháng cáo, tòa án không nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo vắng mặt. Khi chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, HĐXX đã tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử đến gia đình các bị cáo này.

HĐXX nhấn mạnh, trong trường hợp của bà Nhàn và 7 đồng phạm, kháng cáo phải do các bị cáo tự thực hiện, còn người bào chữa hay thân nhân của các bị cáo không có quyền kháng cáo thay. Mặt khác, việc các bị cáo bỏ trốn, bị truy nã còn thể hiện việc họ tự từ bỏ quyền của bị can, bị cáo theo quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Do đó đủ căn cứ xác định, trong thời gian kháng cáo, các bị cáo không có kháng cáo và căn cứ vào Điều 345 Luật Tố tụng hình sự, HĐXX thấy không có căn cứ chấp nhận việc các luật sư bào chữa cho bị cáo kháng cáo thay thân chủ. 

Đối với bị cáo Thuyết và bị cáo Vinh, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, hai người này từ Mỹ có gửi đơn kháng cáo nhưng đơn này không có xác nhận của cơ quan thẩm quyền (Cục lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao...), các bị cáo cũng chưa trình diện nên không có căn cứ chứng minh thân nhân của hai bị cáo này nên không đủ căn cứ xác định đơn kháng cáo là của họ.

Từ những nhận định trên, HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo vắng mặt, không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Tuyết và Vinh. 

HĐXX mời các luật sư kháng cáo thay các bị cáo bỏ trốn ra về. Như vậy, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản AIC) được 4 anh, chị ruột gửi đơn kháng cáo cho bị cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Luật sư của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng có kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại.

7 bị cáo khác được xác định đã bỏ trốn được các luật sư kháng cáo xin giảm nhẹ cho thân chủ của mình, hoặc đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm vì cho rằng chứng cứ không đầy đủ, quá trình điều tra có thiếu sót…

Trong số các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bị truy tố trong vụ án này, bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) không kháng cáo. 

Là bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Công ty AIC đã làm đơn kháng cáo về phần tài sản đã bị kê biên liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn theo hướng hủy bỏ lệnh kê biên của CQĐT với khu đất hơn 4.000 m2 tại ô đất ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Đồng thời, Công ty AIC cũng có đơn kháng cáo phần dân sự của bản án sơ thẩm mức bồi thường 15 tỷ đồng, đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá lại giá trị thiệt hại mà công ty phải bồi thường. 

Bà Nhàn cùng 7 người vắng mặt (đang truy nã hoặc bỏ trốn) gồm: Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc Công ty AIC, sơ thẩm 25 năm tù), Nguyễn Đăng Thuyết (cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, sơ thẩm 30 tháng tù), Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa, sơ thẩm 5 năm tù), Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên, sơ thẩm 4 năm tù), Nguyễn Thị Tích (Tổng giám đốc Công ty Mopha, sơ thẩm 4 năm tù), Nguyễn Thị Sen (cựu Giám đốc Công ty thiết bị y tế và môi trường, sơ thẩm 4 năm tù), Đỗ Văn Sơn (cựu kế toán AIC, sơ thẩm 6 năm tù).

Bản án sơ thẩm xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu, chỉ đạo nhân viên thuộc các phòng ban trong Công ty AIC móc nối với chủ đầu tư, phân công một số công ty làm “quân xanh, quân đỏ” trong quá trình đấu thầu và trúng thầu.

Khi có chủ trương về việc đầu tư xây dựng dự án Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn và Nga nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, giới thiệu về công ty AIC, đề nghị tạo điều kiện cho công ty tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại dự án bệnh viện cũng như tham gia các dự án khác của tỉnh.

Bản án sơ thẩm kết luận quá trình Công ty AIC tham gia và trúng thầu, các ông Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái nhận hối lộ mỗi người tổng số tiền 14,5 tỷ đồng từ bà Nhàn và doanh nghiệp. Còn ông Phan Huy Anh Vũ nhận  hối lộ 14,8 tỷ đồng. Sai phạm về đấu thầu của bà Nhàn và các bị cáo trong vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.

Qua đó, HĐXX tuyên phạt ông Thành 11 năm tù, ông Thái 9 năm tù cùng về tội Nhận hối lộ. Bà Nhàn bị phạt tổng mức án 30 năm tù. Ông Vũ lĩnh tổng hình phạt 19 năm tù. Bà Hoàng Thị Thúy Nga lĩnh 12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 29 bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 30 tháng tù treo đến 6 năm, 6 tháng tù.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT