"Ma trận phí" thẻ tín dụng quốc tế

Theo chuyên gia, đây là tình trạng "phí chồng phí", khi phí giao dịch vừa bị thu theo số lượng giao dịch, vừa bị thu theo doanh số của giao dịch.

Tại hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt" diễn ra mới đây, PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Trường Đại học Đại Nam nhận định: Kỷ nguyên công nghệ 4.0 và đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng thanh toán chi tiêu từ truyền thống bằng tiền mặt, sang hình thức thanh toán thẻ. Điều này cũng được thể hiện thông qua số liệu tăng trưởng sử dụng thẻ từ Ngân hàng nhà nước, trong vòng 5 năm từ 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa được phát hành có mức tăng trưởng bình quân là 29,6%, cao hơn thẻ quốc tế là 17,72%/năm.

Đến tháng 7/2023, có 15 ngân hàng thương mại đang phát hành thẻ tín dụng nội địa, tổng số lượng phát hành thẻ là hơn 800 thẻ, chiếm 7,8% tổng số lượng thẻ (cả thanh toán và tín dụng), tăng 42,5% so với cùng kỳ 2022). Điều này cho thấy sự nhận diện và sử dụng thẻ tín dụng trên thị trường có các tín hiệu khả quan.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, tính đến tháng 7/2023, tỉ trọng của thẻ tín dụng nội địa chiếm 6% trong đó, thẻ tín dụng quốc tế chiếm 94%. Phần lớn thẻ tín dụng đang được phát hành tại các khu vực thành phố lớn, ngoài ra, phần lớn các khu vực tỉnh thành phố đều chưa phổ biến hình thức chi tiêu này.

PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho biết thêm, Việt Nam hiện tại có 15 ngân hàng đang phát hành thẻ tín dụng nội địa. Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ rệt về số lượng thẻ và giá phí của thẻ tín dụng nội địa và quốc tế. Thường thì số loại thẻ tín dụng nội địa phát hành tại các NHTM chỉ chiếm 1/6 đến 1/10 so với số loại thẻ tín dụng quốc tế được phát hành.

"Tại Agribank, có tổng cộng 7 loại thẻ tín dụng khác nhau, trong đó, thẻ tín dụng nội địa là 1 loại thẻ, và 6 thẻ còn lại là thẻ tín dụng quốc tế. Thực trạng này cũng gặp tại ngân hàng Sacombank, nơi có doanh thu từ thẻ tín dụng nội địa cao nhất, cũng ghi nhận 1 loại thẻ tín dụng được phát hành, trên tổng số 12 loại thẻ tín dụng tất cả. Duy nhất chỉ có ngân hàng Nam Á, là phát hành số loại thẻ tín dụng nội địa nhiều hơn loại thẻ tín dụng quốc tế là 1 thẻ", PGS.TS Đặng Ngọc Đức dẫn chứng.

Theo ông Đức, nếu so sánh với giá phí hiện tại của thẻ tín dụng quốc tế, thì ít hơn khá nhiều, kể cả về giá phí duy trì hay sử dụng thẻ tín dụng. Về số lượng giá phí của thẻ tín dụng nội địa và thẻ tín dụng nội địa được niêm yết công khai trên trang chủ của các ngân hàng, giá và phí của thẻ tín dụng nội địa ít và thấp hơn so với thẻ tín dụng quốc tế.

Do đặc thù sản phẩm, thẻ tín dụng nội địa không bị áp dụng các loại phí liên quan đến thanh toán quốc tế, như phí chuyển đổi ngoại tệ, phí giao dịch ngoại tệ, nội tệ ở nước ngoài.

Các mức phí cùng phải đóng do là thẻ tín dụng nội địa cũng thấp hơn so với thẻ tín dụng quốc tế. Phí duy trì thường niên của thẻ tín dụng quốc tế dao động từ 299 nghìn đồng cho đến 2 triệu đồng cho nhóm thẻ phổ thông, và có thể lên tới hàng chục triệu đồng cho nhóm thẻ ưu tiên; trong đó, phí thường niên của thẻ tín dụng nội địa thường giao động trong khoảng từ 150-300 nghìn đồng cho các hạng thẻ khác nhau. 

Cũng theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, ngoài phí thường niên phải đóng, các chi phí để sử dụng dịch vụ, sản phẩm của thẻ tín dụng nội địa cũng ít hơn so với thẻ tín dụng quốc tế. Phí tiêu vượt hạn mức thẻ tín dụng quốc tế giao động từ 2% đến 4% trên số tiền vượt hạn mức, thì đối với thẻ tín dụng nội địa, phí này chỉ rơi vào khoảng 0,075%. Phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng nội địa là 1%, so với mức trung bình của thẻ tín dụng quốc tế là 3%.

Về giá phí, thẻ tín dụng nội địa và tín dụng quốc tế có những sự khác biệt rõ rệt. Theo Hiệp hội Ngân hàng, trung bình mỗi năm MasterCard và Visa thu từ một ngân hàng Việt Nam khoảng 270 loại phí, còn được gọi là "ma trận phí" khiến cho tổng phí thu có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Thậm chí, việc thu tiền này còn được nhận định là "phí chồng phí", khi phí giao dịch chiếm 80% tỉ trọng các loại phí) vừa bị thu theo số lượng giao dịch, vừa bị thu theo doanh số của giao dịch. Điều này vô hình chung cũng dẫn tới việc ngân hàng thu phí từ người dùng khi sử dụng thẻ tín dụng.

Trên cơ sở đó, PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho rằng: các loại phí không phải là lý do chính khiến thẻ tín dụng nội địa ở Việt Nam kém hấp dẫn.

Đức Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT