Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Màn chuyển tiền từ 'tay phải sang tay trái' tại BOT Cảng Phước An

Phạm Thị Tâm

Vừa là Chủ tịch Tập đoàn Hoành Sơn và BOT Cảng Phước An, ông Phạm Hoành Sơn khó có thể đại diện ký cả 2 bên hợp đồng vay vốn. Chính vì vậy, ông Sơn đã ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng.

chu-tich-pham-hoanh-son-va-man-chuyen-tien-tu-tay-phai-sang-tay-trai-tai-bot-cang-phuoc-an-antt-1688113821.PNG
Ảnh minh họa

CTCP BOT đường vào Cảng Phước An (BOT Cảng Phước An) được thành lập vào tháng 9/2017 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT do ông Phạm Hoành Sơn đảm nhiệm.

Cổ đông sáng lập của BOT Cảng Phước An gồm: Tập đoàn Hoành Sơn góp 144 tỷ đồng (tương đương 48%), CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (MCK: PAP) góp 153 tỷ đồng (tương đương 51%) và bà Nguyễn Thị Hằng Nga góp 3 tỷ đồng (tương đương 1%).

Trong đó, Tập đoàn Hoành Sơn do ông Phạm Hoành Sơn làm Chủ tịch HĐQT là công ty mẹ gián tiếp sở hữu PAP thông qua Công ty TNHH MTV Hoành Sơn. Ông Sơn thời điểm đó cũng đang là Chủ tịch của PAP. Còn cổ đông cá nhân là bà Nguyễn Thị Hằng Nga chính là vợ ông Phạm Hoành Sơn.

CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An vốn doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN với tỷ lệ sở hữu lên đến 79,54%. Tuy nhiên, trong quá trình nâng vốn điều lệ, Tập đoàn Hoành Sơn đã vượt qua PVN để trở thành công ty mẹ của PAP.

Sau khi về tay Hoành Sơn, PAP đã cùng Tập đoàn Hoành Sơn lập ra BOT Cảng Phước An với mục đích thực hiện dự án đường vào cảng theo hình thức BOT. Đáng lưu ý, dự án thời điểm đó chưa được cơ quan chức năng phê duyệt.

Dù vậy, PAP vẫn nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản của BOT Cảng Phước An với mục đích góp vốn.

Để rồi, dưới sự điều hành của Chủ tịch Phạm Hoành Sơn, BOT Cảng Phước An đã ký 2 hợp đồng vay vốn tiền số 17/HĐ-PBOT ngày 8/12/2017 và số 22/HĐ-PARBOT ngày 4/2/2018 với tổng giá trị 150 tỷ đồng, lãi suất từ 5-5,3%/năm.

Đáng lưu ý, thời điểm BOT Cảng Phước An cho Tập đoàn Hoành Sơn vay vốn, ông Phạm Hoành Sơn đang là Chủ tịch HĐQT và cũng là người đại diện pháp luật của cả 2 công ty. Để hợp thức hóa hợp đồng vay tiền, ông Sơn đã ủy quyền cho bà Lưu Thị Duyên - Ủy viên HĐQT Tập đoàn Hoành Sơn thay ông ký hợp đồng vay tiền.

Để rồi, 150 tỷ đồng của PAP đã được ông Sơn cho chính công ty mẹ là Tập đoàn Hoành Sơn vay thông qua BOT Cảng Phước An với lãi suất thấp.

Không chỉ vậy, dưới thời Chủ tịch Phạm Hoành Sơn, PAP còn ký hợp đồng số 04/2017 ngày 5/10/2017 với liên doanh CTCP thương mại và dịch vụ Nga Sơn và CTCP Núi Hồng về việc thi công xây lắp phân kỳ 1 – dự án Cảng Phước An, trong đó Nga Sơn là thành viên đứng đầu liên danh.

Ngay sau khi hợp đồng số 04 được ký, PAP đã nhanh chóng tạm ứng 50% giá trị hợp đồng (tương ứng số tiền 575,5 tỷ đồng) cho liên doanh trên.

Cần phải biết rằng, giá trị xây lắp mà Nga Sơn – Núi Hồng thực hiện cho PAP trong năm 2017 và 2018 không lớn, chỉ khoảng 24 tỷ đồng, song PAP vì sao lại chuyển tới 575,5 tỷ đồng ứng trước 50% hợp đồng cho liên doanh này?

Điều này sẽ dễ hiểu nếu nhìn vào cơ cấu cổ đông của Nga Sơn và Núi Hồng.

CTCP thương mại và dịch vụ Nga Sơn được thành lập vào tháng 5/2007. Tính đến tháng 2/2017, Nga Sơn có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Thị Hằng Nga góp 480 tỷ đồng (tương ứng 98% vốn điều lệ), 2 cổ đông Lưu Thị Duyên và Trần Xuân Phong mỗi người nắm 1% vốn điều lệ.

Cần phải biết rằng, bà Hằng Nga chính là vợ của Chủ tịch Phạm Hoành Sơn. Dù sau đó vợ ông Sơn đã bán hết cổ phần tại Công ty Nga Sơn, song người nhân chuyển nhượng lại là bà Lưu Thị Duyên cấp dưới của ông Sơn tại Tập đoàn Hoành Sơn.

Giang Nam