Masan Consumer chốt danh sách trả cổ tức còn lại bằng tiền mặt tỷ lệ 55%, cổ đông ‘ngóng’ tiếp cổ tức đặc biệt có thể lên tới 17.000 đồng/cp
ĐHCĐ thường niên 2024 cũng thông qua phương án chia cổ tức đặc biệt, sử dụng LNST chưa phân phối của năm 2023 để tạm ứng cổ tức năm 2024, tương đương khoảng 17.000 đồng/CP - nếu trả bằng tiền mặt.
CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã chứng khoán MCH, Upcom) thông báo ngày 3/7/2024 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 55%. Việc trả cổ tức được thực hiện vào ngày 12/7/2024.
Đây là phần cổ tức còn lại với tổng tỷ lệ 100% của năm 2023 được ĐHCĐ 2024 thông qua. Trước đó, vào tháng 7/2023, công ty đã tạm ứng 45%.
Báo cáo phân tích mới đây của chứng khoán Vietcap lưu ý, mức chi trả cổ tức 10.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2023 của MCH cao hơn mức chi trả hàng năm là 4.500 đồng/cổ phiếu trong 5 năm qua (ngoại trừ năm 2022 không chia).
671 triệu cổ phần tương đương 93,8% vốn đều lệ của Masan Consumer đang được nắm giữ bởi Công ty TNHH Masan Consumer Holdings – một công ty con của Masan Group (mã chứng khoán MSN). Như vậy, trong đợt này, Masan Consumer Holdings sẽ nhận về gần 3.700 tỷ đồng cổ tức tiền mặt.
Ngoài ra, ĐHCĐ thường niên 2024 cũng thông qua phương án chia cổ tức đặc biệt, sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm tài chính 2023 để tạm ứng cổ tức năm tài chính 2024. Theo ước tính của Vietcap, nếu Masan Consumer chia toàn bộ LNST chưa phân phối của năm tài chính 2023 dưới dạng tạm ứng cổ tức tiền mặt, thì cổ tức bổ sung mà các cổ đông của công ty sẽ nhận được khoảng 17.000 đồng/CP.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu MCH đã tăng 153%, chốt phiên giao dịch ngày 21/6 tại mức giá 220.400 đồng, tương ứng giá trị vốn hóa hơn 158.000 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán Việt.
Giá trị của Masan Consumer thậm chí đang cao hơn gần 40% so với giá trị của tập đoàn mẹ Masan Group.
Theo đánh giá của CTCK SSI, Masan Consumer ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với các công ty cùng ngành trong các năm qua (CAGR doanh thu đạt 10% và CAGR LNST đạt 11% trong giai đoạn 2019-2023).
SSI cho rằng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì trong 2024-2025 nhờ tiêu dùng phục hồi, hoạt động nghiên cứu tung sản phẩm mới cho thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Khả năng cạnh tranh của Masan Consumer nhờ nằm trong hệ sinh thái với Wincommerce sẽ thúc đẩy tăng trưởng của công ty. Biên lợi nhuận gộp được duy trì trên 45% nhờ hoạt động cao cấp hóa sản phẩm.
Tính đến hiện tại, 98% các hộ gia đình ở Việt Nam có ít nhất 1 sản phẩm của Masan Consumer khi công ty này đã xây dựng hệ thống dòng sản phẩm bắt đầu từ nhà bếp, tủ lạnh đến phòng khách, phòng tắm. Trong một thị trường có quy mô khoảng 8 tỷ USD, về cơ bản, Masan Consumer đã phục vụ cơ bản đầy đủ các nhu cầu thiết yếu tại nhà.
Tuy nhiên so với quy mô toàn thị trường FMCG tại Việt Nam lên đến 32 tỷ USD thì thị phần của Masan Consumer chưa đến 5%. Do đó, lãnh đạo của Masan Group định hướng hướng đến thị trường lớn hơn, cao cấp hơn là out-of-home mà mở đầu với dòng sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín mang thương hiệu OMACHI.
Với chiến lược "Go Global", Masan Consumer đặt mục tiêu xuất khẩu ra thị trường toàn cầu 8 tỷ dân. Bước đầu với dòng sản phẩm CHIN-SU đã đạt được thành công trên các sàn thương mại lớn như Amazon (Mỹ), Coupang (Hàn Quốc), đặt mục tiêu doanh thu quốc tế chiếm từ 10-20% tổng doanh thu.
Bước vào những thị trường lớn hơn, Masan Consumer được kỳ vọng tăng trưởng doanh thu lớn hơn. Đi kèm, công ty cũng cho biết biên lợi nhuận ngày càng cải thiện nhờ cơ cấu ngành hàng có biên lợi nhuận tốt và xu hướng giảm giá nguyên vật liệu.
Trong các báo cáo phân tích của CTCK, vấn đề cần quan tâm đối với Tập đoàn Masan Group là tỷ lệ đòn bẩy cao. Việc giảm đòn bẩy là một yếu tố quan trọng để công ty đạt được tăng trưởng lợi nhuận trong trung hạn. MSN đặt mục tiêu nợ ròng/EBITDA <3,5 lần trong 12 – 18 tháng tới.
CTCK BSC cho rằng nỗ lực giảm đòn bẩy nợ với Net debt/ EBITDA từ mức 6,5 lần năm 2023 xuống mức 3 lần vào năm 2025 có thể đạt được nhờ vào (i) nguồn vốn đầu tư từ Bain capital với giá trị hơn 6.000 tỷ VND, (ii) Dòng tiền từ cổ tức MCH và TCB ước tính hơn 3.700 tỷ VND và (iii) nguồn tiền đến từ sự kiện MSR thoái vốn HCStack.
Cụ thể, vào ngày 23/4, Masan hoàn tất thành công việc huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD. Theo đó, Masan tiếp nhận 6.228 tỷ đồng tiền mặt thuần từ khoản đầu tư này.
Bên cạnh đó, việc CTCP MaSan High - Tech Materials (MSR) thoái vốn toàn bộ 100% vốn sở hữu tại H.C. Starck (HCS) cho Mitsubishi Materials Corp (MMC) với giá 134,5 triệu USD sẽ đem lại lượng tiền giúp MSR giảm đòn bẩy tài chính, đồng thời có thể ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường khoảng 40 triệu USD vào năm 2024.
Vào ngày 20/4 vừa qua, Techcombank (mã chứng khoán: TCB) - đơn vị liên kết của tập đoàn đã thông qua phương án chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Sở hữu 19,9% cổ phần, Masan Group dự kiến sẽ nhận được hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt trong 6 tháng tới, giúp giảm đòn bẩy tài chính.
Ban lãnh đạo cũng chia sẻ, chi phí lãi vay của Tập đoàn sẽ giảm ít nhất 400 tỷ đồng trong năm 2024 nhờ các nỗ lực giảm nợ vay
Ngoài ra, CTCK HSC cho rằng việc niêm yết trên HOSE và phát hành cổ phiếu (nếu xảy ra) của Masan Consumer sẽ giúp tăng giá trị thị trường của chính Masan Consumer và tạo ra tiền mặt dòng vốn vào cho Masan Group, giúp công ty giảm nợ và đầu tư vào hoạt động kinh doanh hiện tại.