Miền Bắc có thể có thêm một khu kinh tế ven biển 20.000ha, đón sóng đầu tư công nghệ cao, bán dẫn...

Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng có diện tích hàng chục nghìn ha, ven theo đường cao tốc ven biển đồng thời có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, cơ sở hạ tầng và dư địa phát triển

Miền Bắc có thể có thêm một khu kinh tế ven biển 20.000ha, đón sóng đầu tư công nghệ cao, bán dẫn...- Ảnh 1.

Năm 2023, GRDP của Thành phố Hải Phòng đứng thứ 5 cả nước, tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước và đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục (chỉ xếp sau TP Hồ Chí Minh).

Cơ cấu nền kinh tế năm 2023 trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 3,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 53,34%; khu vực dịch vụ chiếm 37,76%.

Đặc biệt, Hải Phòng nắm giữ khi kinh tế ven biển thành công nhất của cả nước (Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải). Khu kinh tế này góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Hải Phòng và Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Như vậy, với tiềm lực phát triển mạnh mẽ, cuối năm 2023, UBND TP Hải Phòng đã chính thức đề xuất nghiên cứu xây dựng phát triển Khu kinh tế thứ 2 của thành phố - Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, dự kiến trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu năm 2024 để tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại hội thảo mới đây, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng khẳng định, việc thành lập Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng là cơ sở để đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư, đón các nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn cũng như phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, khu kinh tế này có diện tích 20.000ha, ven theo đường cao tốc ven biển đồng thời có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, cơ sở hạ tầng và dư địa phát triển.

Cụ thể, khu kinh tế này sẽ phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của thành phố như: kết nối với các khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, khai thác hiệu quả định hướng phát triển đường cao tốc ven biển, Cảng Nam Đồ Sơn, Sân bay Tiên Lãng, tận dụng tốt dư địa của Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải.

Mục tiêu đến năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố, tương đương với 80% năng lực của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải năm 2023.

Theo dự kiến phân kỳ đầu tư, trong năm 2024 - 2025, thành phố xúc tiến đề xuất thành lập khu kinh tế. Từ năm 2026-2030, các cơ quan liên quan lập, trình phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng các khu chức năng và tiến hành thu hút các dự án thứ cấp.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: Dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Theo ông Kiên, Thành phố đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để có thể trình Thủ tướng phê duyệt đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam trong quý II/2024.

Hàng chục dự án tiếp tục “cất cánh”

Theo đó, năm 2024, Hải Phòng chọn chủ đề năm là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hoá đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – Tăng cường thực hiện các chính sách xã hội và chuyển đổi số”. Hải Phòng cũng lựa chọn 20 dự án trọng điểm năm 2024, trong đó có 6 dự án dự kiến khánh thành (5 dự án vốn ngân sách, 1 dự án vốn ngoài ngân sách), 12 dự án dự kiến khởi công (3 dự án vốn ngân sách, 9 dự án vốn ngoài ngân sách) cùng 2 dự án đang triển khai chuyển tiếp từ năm 2023 sang.

Về các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2024, Hải Phòng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh năm 2010) so với năm 2023, thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) 9.000USD, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15%, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đạt 64%.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, năm 2024, Hải Phòng đặt mục tiêu thu hơn 106.761 tỷ đồng bằng hơn 104% so với tổng thu ngân sách năm 2023, trong đó thu nội địa đạt 45.000 tỷ đồng bằng 105,88% so với số thu nội địa thực hiện năm 2023, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 60.000 tỷ đồng bằng 103,45% số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của năm 2023.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 là 210.000 tỷ đồng bằng 109,95% so với năm 2023. Lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 190 triệu tấn bằng 111,76% so với lượng hàng hoá thông qua cảng của năm 2023 là 170 triệu tấn. Riêng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2024 Hải Phòng chỉ đặt mục tiêu từ 2-2,5 tỷ USD, bằng từ 57,14-71,43% với con số thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của năm 2023 (gần 3,5 tỷ USD).

Ngọc Hiền

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT