'Mỏ vàng' đưa Việt Nam trở thành ông trùm lớn thứ 2 thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản đua nhau chốt đơn, nước ta sở hữu công nghệ đẳng cấp thế giới

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này giúp Việt Nam thu về hơn 2 tỷ USD

Trong nửa đầu năm 2025, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất với 62,1%, tiếp theo là tôm loại khác và tôm sú. Đáng chú ý, tôm loại khác ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục tới 124%.

Về thị trường, Trung Quốc & HK đã vươn lên vị trí số 1 với kim ngạch đạt gần 595 triệu USD, tăng mạnh 81% so với cùng kỳ. Sự phục hồi tiêu dùng, nhu cầu cao dịp hè và nhu cầu cao đối với tôm hùm từ Việt Nam tiếp tục giúp Trung Quốc trở thành thị trường bứt phá nhất.

Nhóm thị trường CPTPP cũng ghi nhận kết quả tích cực với mức tăng 38%, trong đó Nhật Bản (tăng 19%), Australia (5%) và Canada (6%) đều có mức tăng trưởng khả quan. Nhật Bản tiếp tục là thị trường đơn lẻ lớn thứ ba của tôm Việt Nam, nhờ nhu cầu ổn định và tôm giá trị gia tăng (GTGT) là thế mạnh.

Thị trường EU tăng 16%, trong đó các nước như Đức, Bỉ và Pháp đều tăng trưởng hai con số. Xuát khẩu đi EU tiếp tục được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA, trong khi các đối thủ như Indonesia, Thái Lan không có.

Hàn Quốc cũng là điểm sáng với mức tăng 14% nhờ nhu cầu ổn định, truyền thống ưa chuộng tôm chế biến kỹ. Đài Loan tăng tới 27% – cho thấy sự lan tỏa tốt của tôm Việt tại Đông Á.

Ngược lại, thị trường Mỹ – từng là đầu tàu xuất khẩu của tôm Việt – lại có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Dù tổng kim ngạch 6 tháng đạt 341 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ, nhưng diễn biến theo tháng cho thấy xu hướng thiếu khả quan: tháng 5 tăng vọt (+66%) do doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng trước khi áp thuế, thì sang tháng 6 giảm mạnh 37%.

Từ tháng 4/2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng 10% đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết các nước. Đến tháng 7, mức thuế với Việt Nam được công bố là 20% (chính thức áp dụng từ 1/8). Cùng với đó là các nguy cơ từ thuế chống bán phá giá (AD) sơ bộ lên tới hơn 35% và thuế chống trợ cấp (CVD) cuối năm nay.

VASEP đánh giá, các yếu tố thuế quan đã khiến thị trường Mỹ trở nên bất ổn, khó dự đoán. Nhập khẩu tôm của Mỹ tuy vẫn tăng trong 5 tháng đầu năm, nhưng rõ ràng đây là kết quả của việc các doanh nghiệp "chạy đơn" trước ngày thuế có hiệu lực, không phải là tăng trưởng bền vững.

Ba “lưỡi kiếm thuế quan” đồng loạt treo lơ lửng khiến nhiều nhà nhập khẩu Mỹ dè chừng, trong khi doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp khó khi định giá, lập kế hoạch sản xuất – giao hàng.

Trong tháng 7, dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ chững lại so với tháng 5, tháng 6 do các đơn hàng “tránh thuế” đã được đẩy đi sớm. Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đến 1/8 giúp một số doanh nghiệp tranh thủ xuất thêm hàng trong nửa đầu tháng, nhưng tâm lý dè dặt vẫn bao trùm thị trường.

Nửa cuối năm 2025, triển vọng xuất khẩu phụ thuộc lớn vào: Diễn biến chính thức của chính sách thuế quan từ Mỹ (AD, CVD và mức thuế đối ứng 20%); Khả năng tái cơ cấu nhanh của doanh nghiệp để chuyển dịch sang các thị trường ít rủi ro hơn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; Tình hình dịch bệnh và chi phí đầu vào trong nước, vốn đang gia tăng và ảnh hưởng tới giá thành sản xuất.

Nếu các mức thuế chính thức từ Mỹ không vượt kỳ vọng, Việt Nam có thể duy trì được nhịp xuất khẩu sang Mỹ ở mức ổn định thấp. Nhưng trong trường hợp thuế AD hoặc CVD ở mức cao, xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm mạnh, kéo tụt tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Khánh Vy


An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT