Môi giới bất động sản “chạy đua” với Tết: “Không dám nghĩ tới thưởng, chỉ mong nhận đủ tiền hoa hồng”
Trái ngược với thời điểm thị trường bất động sản sôi động, dịp cuối năm các môi giới thường khoe thưởng tiền, xe ô tô, thậm chí được tặng nhà. Năm nay, các môi giới chỉ hy vọng, đến Tết mong nhận đủ tiền hoa hồng, không dám nghĩ tới thưởng.
Trong những năm thị trường bất động sản diễn biến sôi động, giao dịch nhiều, các sàn môi giới đều làm ăn phát đạt. Theo đó, ngoài việc có mức hoa hồng cao ngất ngưởng thì nhiều môi giới bất động sản còn giàu lên nhờ mức thưởng Tết siêu khủng tới hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, không ít người còn được thưởng xe ô tô, nhà và những chuyến du lịch nước ngoài,...
Tuy nhiên, từ năm ngoái tới nay, thị trường bất động sản trầm lắng, theo đó tình cảnh của các môi giới đã khác đi rất nhiều. Tình trạng nợ lương, nợ hoa hồng, cắt giảm nhân lực diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp bất động sản. Do đó, điều mong ước nhỏ nhoi của môi giới lúc này chỉ mong Tết tới có thể nhận đủ tiền hoa hồng, không dám nghĩ tới tiền thưởng.
Anh Nguyễn Văn Hồng, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, những năm thị trường bất động sản sôi động, đến gần Tết anh cùng các đồng nghiệp bận rộn với lịch trình ăn nhậu, tất niên sớm. Đồng thời, vui vẻ khoe với nhau mức thưởng Tết lên tới vài trăm triệu đồng thì nay kỷ niệm chỉ còn được nhắc lại bằng những tấm ảnh trên Facebook.
“Những năm trước không thiếu các công ty bất động sản thưởng cho nhân viên bằng xe ô tô. Cũng mới chỉ năm 2021, các bạn bè của tôi khi được thông báo về mức thưởng đã lên kế hoạch đổi xe ô tô, thêm tiền mua nhà, mua đồ hiệu,...Nhưng giờ đã khác, số lượng giao dịch thành công trong cả năm đếm được trên đầu ngón tay. Các công ty khó khăn còn cắt giảm nhân sự, nợ tiền hoa hồng khó đòi. Không dám nghĩ tới thưởng Tết, tôi chỉ mong nhận đủ tiền hoa hồng 2 giao dịch từ tháng 10”, anh Hồng ngậm ngùi nói.
Theo anh Hồng, do tình hình giao dịch bất động sản vẫn gặp khó khăn, nên từ đầu năm anh và các đồng nghiệp đều bị cắt lương cứng và chuyển sang chế độ cộng tác viên.
“Tôi đăng ký làm cộng tác viên ở nhiều sàn để có nguồn hàng tốt, dễ bán. Từ đầu năm tới nay giao dịch cũng lác đác, không có nhiều. Trong trường hợp giao dịch thành công cũng phải đợi rất lâu mới nhận đủ tiền hoa hồng”, anh chia sẻ thêm.
Tương tự, anh Trần Mạnh, nhân viên môi giới của một công ty bất động sản ở Hà Nội cho biết, không chỉ môi giới, các ngành nghề khác cũng đều mong có thưởng Tết để sắm sửa. Tuy nhiên, năm nay thị trường diễn biến trầm lắng, anh Mạnh cũng không hy vọng có thưởng Tết, chỉ cần nhận đủ tiền hoa hồng.
“Thời điểm cuối năm tôi chỉ mong có thêm giao dịch, công ty trả tiền hoa hồng sớm để chi tiêu dịp Tết. Còn bây giờ các công ty bất động sản đều khó khăn, lấy tiền đâu ra để thưởng. Cuối năm công ty không được tất toán có khi tiền hoa hồng cũng bị nợ”, anh Mạnh chia sẻ.
Thực tế, mặc dù thị trường bất động sản đã có những tích cực hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp địa ốc vẫn chưa thoát khỏi cảnh khó khăn, thậm chí rơi vào phá sản.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, năm 2023, thị trường chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản. Trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường bất động sản sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
Ông Đính cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự “ra đi” của một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua.