Mỗi ngày các trạm thu phí BOT đem về cho Đèo Cả doanh thu bao nhiêu?
Năm 2023, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Đèo Cả là doanh thu từ các trạm thu phí BOT với 1.572,6 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước và chiếm 58,5% tổng doanh thu, tương ứng trung bình mỗi ngày Đèo Cả thu về 4,3 tỷ đồng từ các trạm thu phí BOT.
CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (MCK: HHV) mới công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, ghi nhận doanh thu đạt 861,3 tỷ đồng, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn tăng cao đã khiên lãi gộp của doanh nghiệp giảm 10,6%, về còn 232,6 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu tài chính của Đèo Cả tăng 10 lần, đạt gần 6 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, về mức 162,7 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí lãi vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ xuống còn 16,8 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế phí, HHV lãi sau thuế 52,5 tỷ đồng, giảm 30,2% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế năm 2023, HHV đem về 2.668,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 28,3%, lãi sau thuế đạt 361,8 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng năm ngoái.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu các trạm thu phí BOT chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.572,6 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước (chiếm 58,5% tổng doanh thu); doanh thu hoạt động xây lắp 1.047,3 tỷ đồng…
Như vậy, năm 2023, trung bình mỗi ngày Đèo Cả thu về 4,3 tỷ đồng từ các trạm thu phí BOT.
Với kết quả kinh doanh này, Đèo Cả đã hoàn thành 107% kế hoạch lợi nhuận công ty đã đặt ra hồi đầu năm.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản Đèo Cả đạt 36.775 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.122 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của doanh nghiệp là tài sản cố định với 28.328 tỷ đồng, chiếm 77% tổng tài sản. Tiền gửi ngân hàng đạt 385 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 50%, lên mức 686,6 tỷ đồng. Chi phí trả trước dài hạn tăng gần 33%, lên 6.354,3 tỷ đồng.
Tính đến hết quý IV/2023, tổng nợ phải trả của Đèo Cả còn 28.045 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, phần lớn là nợ vay tài chính với 20.284 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của Đèo Cả vẫn là ngân hàng Vietinbank với dư nợ 19.232 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh nghiệp này đã phải chi 1.161 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng mạnh so với con số 828 tỷ đồng năm trước đó. Tương ứng, mỗi ngày, Đèo Cả đang phải dành hơn 3,1 tỷ đồng để trả chi phí lãi vay.
Ngoài ra, khoản người mua trả tiền trước dài hạn Đèo Cả ghi nhận thêm 248,2 tỷ đồng tạm ứng từ Ban quản lý dự án 2 thi công dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn thuộc dự án xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; 41 tỷ đồng tạm ứng của Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng thi công dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Trong năm 2023, HHV đã liên tục thành công trong việc trúng thầu các dự án lớn như cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, nâng cấp mở rộng đèo Prenn, đường ven biển Bình Định và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu.
Về hoạt động đầu tư, trong giai đoạn 2023 - 2025, HHV đã đề xuất đầu tư gần 400 km đường cao tốc, bao gồm Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP. HCM - Chơn Thành và vành đai 4 qua tỉnh Bình Dương, với tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng theo phương thức PPP đã nhận được sự phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ và đã khởi công vào đầu năm 2024.