Mỗi nhân sự của doanh nghiệp Việt này mang về 9 tỷ đồng doanh thu/năm, tương tự ông lớn Orange của Pháp và Telefornica của Tây Ban Nha
Năng suất lao động theo doanh thu của tại một số đơn vị viễn thông, công nghệ số của Viettel đạt hơn 9 tỷ đồng/người/năm, tương đương với các doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới cùng lĩnh vực. Con số này của ông lớn viễn thông Orange của Pháp năm 2023 là gần 350 nghìn EUR/người, tương đương khoảng 9,5 tỷ đồng/người.
Chia sẻ tại một sự kiện về năng suất lao động mới đây, bà Vũ Thị Mai - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel – cho biết việc duy trì năng suất lao động (NSLĐ) cao là một trong những cơ sở quan trọng để Chính phủ quyết định ban hành một Nghị định riêng về tiền lương cho Viettel và đây cũng đã trở thành tiền đề quan trọng giúp Viettel có được những thành tựu như ngày hôm nay.
Theo bà Mai, năm 2023, NSLĐ theo doanh thu của toàn Tập đoàn là hơn 4,1 tỷ đồng/người/năm. Trong đó, tại một số đơn vị viễn thông, công nghệ số thì con số này là hơn 9 tỷ đồng/người/năm, tương đương với các Doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới cùng lĩnh vực (Orange-Pháp, Telefornica-Tây Ban Nha).
Theo báo cáo tài chính của Orange năm 2023, doanh thu toàn tập đoàn đạt 44,1 tỷ EUR. Với hơn 127 nghìn nhân viên, trung bình năng suất tính theo doanh thu của mỗi nhân viên đạt gần 350 nghìn EUR/người, tương đương khoảng 9,5 tỷ đồng/người.
Chia sẻ tại sự kiện, đại diện Viettel đưa ra 3 trụ cột chính để thúc đẩy NSLĐ là Nhân lực, Công cụ và Cơ chế chính sách.
Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định đến việc thúc đẩy, nâng cao NSLĐ. Viettel chú trọng lựa chọn những nhân sự phù hợp trên cả 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Việc tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp ngoài dựa trên năng lực, thành tích thì cần cả yếu tố phù hợp với văn hóa.
"Nhờ đó, chúng tôi luôn tuyển chọn được các nhân sự không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có tinh thần sẵn sàng dấn thân, cống hiến. Kết quả là, Viettel hiện đang sở hữu đội ngũ hàng nghìn nhân sự chất lượng cao trong các ngành viễn thông, nghiên cứu công nghệ cao, làm chủ việc thiết kế, vận hành mạng lưới trên toàn cầu, các công nghệ 4G, 5G hay đội ngũ 300 chuyên gia ANM, có tuổi đời rất trẻ nhưng đã giành được nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới".
"Viettel cũng là DN dẫn đầu về số lượng sáng chế tại Việt Nam với 142 bằng bảo hộ trong nước, 17 bằng bảo hộ tại Mỹ và hơn 220 công nghệ lõi", bà Mai cho biết.
Thứ hai, chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng những công nghệ mới nhất trong hoạt động SXKD như AI, Phân tích dữ liệu lớn. Tại Viettel, trong hoạt động chăm sóc khách hàng, trợ lí ảo AI đã được đưa vào sử dụng thông qua các cuộc gọi video KYC xác thực khách hàng với gần 10 triệu cuộc gọi, hàng chục triệu lượt giải đáp khách hàng tự động 24/7, giúp tiết kiệm khoảng 60 tỷ đồng mỗi năm.
"Kể cả những ngành trước đây được coi là truyền thống như Bưu chính, chúng tôi đã đưa vào vận hành hệ thống chia chọn thông minh, sử dụng robot tự hành AGV góp phần tăng sản lượng lên 3,5 lần và tối ưu đến 60% nhân sự", bà Mai nói thêm.
Thứ ba, về các cơ chế chính sách tạo động lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng NSLĐ và trao cơ hội phát triển cho NLĐ dựa trên 5 yếu tố chính gồm Môi trường làm việc, Văn hóa giao việc khó, Cơ chế lương thưởng và đãi ngộ phù hợp, Chú trọng đến hoạt động đào tạo và phát triển nhất là thông qua luân chuyển công việc, và Tạo dựng lộ trình phát triển bản thân để CBNV có cơ hội thăng tiến
Về văn hóa giao việc khó, đại diện Viettel cho biết các công việc được giao mang tính thách thức cao để nhân viên có cơ hội dấn thân, thể hiện khát vọng cống hiến cho tổ chức và xã hội. Nhờ vậy, Viettel có những cán bộ quản lý luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi làm việc tại các thị trường nước ngoài gian khổ nhất.
"Đây còn là cách để phát hiện người giỏi và đòi hỏi cán bộ nhân viên không ngừng sáng tạo, tìm giải pháp đột phá, tăng năng suất lao động", bà Mai chia sẻ.
Với câu chuyện tạo dựng lộ trình phát triển nhân viên, bà Mai cho biết đây luôn là yếu tố được Viettel ưu tiên khi thiết kế các chính sách nhân sự. Tất cả các CBNV đều được trao cơ hội thăng tiến như nhau dựa trên năng lực, thành tích đóng góp cho tổ chức.
"Chúng tôi xây dựng lộ trình theo mô hình "2 chóp"- (Chóp quản lý và Chóp chuyên gia), để từng CBNV có thể chủ động lựa chọn nhằm phát huy tối đa sở trường của bản thân", bà Mai nói.