Mọi thứ khó khăn lắm: Tiếng kêu thảm thiết của các đại lý bảo hiểm vì không thể thanh toán, khách hàng bức xúc khi quyền lợi ít nhưng phải chi gấp 3

Bán bảo hiểm đang trở thành một trong những nghề khó kiếm ăn.

Tamara Matheson vẫn đang cố gắng tìm hiểu lý do vì sao ngôi nhà của mình không được trả bảo hiểm. Trước đó, vào ngày 19 tháng 1, cô nhận được lá thư từ Farmers Insurance, một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu quốc gia, thông báo rằng sau khi xem xét hồ sơ kỹ lưỡng, họ không thể chi trả bảo hiểm cho ngôi nhà kiểu trang trại của cô ở Mebane. Nguyên nhân là do phí bảo hiểm hiện đã “vượt quá 250% mức tiêu chuẩn”.

Thực tế, chi phí xây dựng và nhân công tăng cao đang khiến các công ty bảo hiểm gặp khó. Farmers Insurance đã thông báo cho Matheson trước 60 ngày rằng công ty sẽ phải chấm dứt hợp đồng do lạm phát đẩy chi phí lên quá nhiều.

Matheson chỉ là một trong số rất nhiều những chủ sở hữu nhà khác đang phải đối mặt với mức phí bảo hiểm tăng vọt. Vào năm 2020, nữ y tá 41 tuổi này đã mua căn nhà 3 ngủ gần trung tâm thành phố Mebane với giá 183.000 USD và kể từ đó, phí bảo hiểm đã tăng gần gấp 3 lần. Hiện cô đang phải trả 1.500 USD/năm, tăng từ mức 500 USD/năm.

Một phân tích của Charlotte Observer cho thấy khoảng 40% chủ hợp đồng ở Bắc Carolina phải trả phí bảo hiểm cao hơn mức phê duyệt. Trung bình chênh lệch rơi vào khoảng 321 USD/năm.

Một tháng sau khi hợp đồng bị hủy bỏ, Matheson tìm đến một công ty bảo hiểm khác, song chấp nhận cắt giảm quyền lợi để không phải chi quá nhiều tiền mỗi năm.

“Tôi nghĩ nhiều người khác chắc cũng giống tôi. Họ không đủ khả năng chi phí phí bảo hiểm đắt đỏ”, Matheson nói.

Ủy viên bảo hiểm của Colorado, Michael Conway, đã phát hiện ra độ nghiêm trọng của vấn đề sau trận cháy rừng gần Boulder. Ông đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ phía các chủ nhà, lo lắng rằng hợp đồng bảo hiểm của mình sẽ không chi trả đầy đủ.

Liên bang sau đó đã điều tra và phát hiện ra rằng chỉ có 8% hợp đồng bảo hiểm ở những khu vực ảnh hưởng cam kết chi trả toàn bộ chi phí xây dựng bất kể chúng có cao đến đâu. ⅓ đến ⅔ số ngôi nhà sau cháy chỉ được bảo hiểm dưới giá trị.

Để khắc phục vấn đề, ông Conway và nhóm của mình đã triệu tập cuộc họp vào cuối năm ngoái với các công ty bảo hiểm, nhà thầu xây dựng để lên ý tưởng giúp chủ nhà. Tuy nhiên cho đến nay, không giải pháp nào được tìm ra.

Nghề bảo hiểm thoái trào: Nhiều công ty không thể thanh toán vì chi phí tăng 250%, khách hàng bức xúc khi hợp đồng bị cắt đột ngột, quyền lợi ít nhưng phải chi gấp 3 lần - Ảnh 1.

Một phân tích của Charlotte Observer cho thấy khoảng 40% chủ hợp đồng ở Bắc Carolina phải trả phí bảo hiểm cao hơn mức phê duyệt.

“Chúng tôi rất lo ngại những gì chủ nhà đang gặp phải. Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với áp lực mà họ đối mặt”, ông Conway nói.

Theo WSJ, bảo hiểm y tế có thể là lĩnh vực tiếp theo gặp khủng hoảng bởi tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến nhiều người phải nhập viện. Ô nhiễm không khí hậu cháy rừng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh về phổi.

Sau một năm nắng nóng kỷ lục, các công ty bảo hiểm y tế đang nỗ lực tìm hiểu tác động từ câu chuyện biến đổi khí hậu, đồng thời xây dựng lại các mô hình đánh giá mới để ước lượng phí bảo hiểm và ước tính rủi ro.

“Chúng tôi đang cố gắng dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, điều này khó khăn hơn nhiều”, Brian Kernohan, giám đốc bền vững tại Manulife Investment Management, cho biết.

Theo Steve Bochanski, người đứng đầu mô hình rủi ro khí hậu Mỹ tại công ty kế toán PricewaterhouseCoopers, các công ty bảo hiểm đang thiếu dữ kiện để xây dựng các mô hình bảo hiểm mang tính dự đoán. “Đó chắc chắn là một thách thức trong việc phân biệt tác động của biến đổi khí hậu và các yếu tố khác đối với sức khỏe con người”.

Tuy nhiên, cũng theo Bochanski, vẫn còn cơ hội để các công ty bảo hiểm tiến lên phía trước và đánh giá rủi ro từ biến đổi khí hậu. Các công ty xây dựng thành công mô hình kết hợp có thể điều chỉnh phí bảo hiểm hoặc phạm vi bảo hiểm sao cho hợp lý.

Đối với các công ty bảo hiểm sức khỏe, rủi ro khí hậu là một mối lo ngại mới. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và ô tô lại đau đầu đối mặt với tình trạng lạm phát. Mark Friedlander, đại diện Viện Thông tin Bảo hiểm, phí bảo hiểm nhà ở đã tăng tổng cộng 32% từ năm 2019 đến năm 2023, trong khi chi phí xây dựng và thay thế tăng 55%. Ước tính vào năm 2023, các công ty bảo hiểm nhà ở đã phải chịu khoản lỗ bảo lãnh lớn nhất kể từ năm 2011.

Nghề bảo hiểm thoái trào: Nhiều công ty không thể thanh toán vì chi phí tăng 250%, khách hàng bức xúc khi hợp đồng bị cắt đột ngột, quyền lợi ít nhưng phải chi gấp 3 lần - Ảnh 2.

Chỉ 88% chủ nhà ở Mỹ có bảo hiểm tài sản, giảm so với 95% vào năm 2019.

“Mặc dù các thước đo lạm phát đã chậm lại nhưng mức giá vẫn cao hơn nhiều so với trước đây. Nhiều công ty cũng vẫn đang phải chịu áp lực”, nhà kinh tế trưởng Dana Peterson của The Conference Board cho biết.

Một cuộc khảo sát năm ngoái cho thấy chỉ 88% chủ nhà ở Mỹ có bảo hiểm tài sản, giảm so với 95% vào năm 2019. Chỉ 4% có bảo hiểm lũ lụt, mặc dù 90% thiên tai ở đây liên quan đến bão lũ.

“Đối với hầu hết người dân, điều họ đang phải đối mặt bây giờ là: Đâu là lựa chọn ít tồi tệ nhất dựa trên mức giá?”, Amy Bach, giám đốc điều hành của United Policyholder, một nhóm vận động phi lợi nhuận giúp người dùng điều hướng các quy trình yêu cầu bồi thường.

Theo WSJ, bán bảo hiểm đang trở thành một trong những nghề khó kiếm ăn tại California. Chi phí tăng cao, nhiều hợp đồng bị hủy bỏ.

“Mọi thứ khó khăn lắm. Không có ngày nào tốt lành cả”, Harper, chủ công ty bán bảo hiểm nói và cho biết thiệt hại chủ yếu do cháy rừng, hạn hán và lũ lụt.

Charles Symington, giám đốc điều hành Cơ quan môi giới và đại lý bảo hiểm độc lập Mỹ cho biết, vấn đề đang vượt ra ngoài California và Florida.

Theo Yahoo!Finance, bảo hiểm ô tô, bao gồm rủi ro trộm cắp hoặc hư hỏng, đang khiến các công ty điêu đứng trong bối cảnh nạn cướp của hoành hành. Jeff Sibel trong một tuyên bố gửi qua CNN cho biết “đà bùng nổ của số lượng các vụ trộm khiến những phương tiện như ô tô rất khó để được bảo hiểm”.

“Trong năm qua, chúng tôi ghi nhận tỷ lệ trộm cắp đối với một số mẫu xe Hyundai và Kia tăng hơn gấp 3 lần và ở một số nơi, chúng còn có nguy cơ bị đánh cắp cao hơn gần 20 lần so với các loại xe khác”.

Theo: WSJ

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT