Một chủ đầu tư dự án tỷ USD ở Hoài Đức mua lại 2.000 tỷ trái phiếu trước hạn

Công ty A.K. - chủ đầu tư dự án tỷ USD tại Hoài Đức lỗ lũy kế hơn 2.400 tỷ đồng. Song năm 2022, công ty này đã mua lại 2.000 tỷ trái phiếu trước hạn, trong khi nợ phải trả tăng cao gấp 8 lần vốn chủ sở hữu.

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới A.K. đã công bố thông tin tài chính định kỳ năm 2022. 

chu-dau-tu-du-an-splendora-huy-dong-nguon-tien-o-dau-de-mua-trai-phieu-truoc-han-antt-1686282308.JPG
Phối cảnh dự án

Tính đến ngày 31/12/2022, doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm ngoái lên gần 3.548 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ hơn 5.980 tỷ đồng (theo thông tin từ HNX).

Năm 2022, A.K. ghi nhận lãi sau thuế gần 4 tỷ đồng. Dù tỷ suất ROE chỉ ở mức 0,11%, con số này vẫn cao hơn nhiều khoản lỗ 193,9 tỷ đồng của năm 2021. Chuyển biến tích cực của A.K. gây chú ý cho giới đầu tư, trong bối cảnh cả ngành bất động sản gặp khó, hàng loạt ông lớn địa ốc rơi vào cảnh mất thanh khoản

Báo cáo của A.K. cho thấy, trong năm 2022, công ty này đã mua lại gần 2.000 tỷ trái phiếu trước hạn. Trước đó trong năm 2021, A.K. phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm, A.K. không còn dư nợ trái phiếu. Tuy nhiên, nợ phải trả của công ty này lại tăng mạnh từ 14.069 tỷ đồng lên 28.382 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn chủ sở hữu.

Có thể thấy, trong năm 2022, A.K. đã tăng mạnh đòn bẩy tài chính bằng việc vay thêm hơn 14.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này được công ty dùng để thanh toán nợ trái phiếu và đầu tư dự án.

A.K. được thành lập vào năm 2008, là chủ đầu tư Khu đô thị mới tại huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội, với diện tích hơn 264ha, có tổng mức đầu tư 2 tỷ USD.

Ban đầu, cơ cấu cổ đông của A.K. gồm 2 pháp nhân là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, MCK: VCG, sàn HoSE) và Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc), mỗi bên nắm 50%. Vào tháng 12/2017, cổ đông Hàn Quốc nhượng lại phần góp vốn cho một tập đoàn địa ốc lớn.

Dự án này sau đó bị đình trệ do mâu thuẫn giữa 2 nhóm cổ đông lớn tại Vinaconex là Công ty TNHH An Quý Hưng (thời điểm đó nắm quyền chi phối 57,71% vốn Vinaconex) và các pháp nhân khác.

Tới tháng 8/2020, thế trận ở dự án này mới ngã ngũ. Nhóm pháp nhân liên quan tập đoàn địa ốc lớn đã thoái tổng cộng 28,85% vốn điều lệ Vinaconex, tương đương 132,8 triệu cổ phiếu VCG. Ở chiều ngược lại, Vinaconex tiến hành chuyển nhượng 50% vốn của A.K. cho doanh nghiệp trong nhóm của tập đoàn địa ốc nói trên.

Sau khi thế trận tại A.K. được dàn sếp, vào cuối năm 2020, công ty này đã mang toàn bộ tài sản và quyền tài sản gắn liền với 38 lô liền kề thuộc dự án này thế chấp tại ngân hàng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT