Một cổ phiếu ngành thép tăng 270% sau một tháng
Sau thời gian dài "im hơi lặng tiếng", cổ phiếu này bất ngờ dậy sóng với hàng loạt phiên tăng kịch trần.
Thị trường chứng khoán bứt phá mạnh trong tháng 2, nối dài chuỗi 4 tháng miệt mài leo dốc. VN-Index tăng gần 90 điểm sau một tháng để "công phá" mức đỉnh cao nhất trong hơn 1 năm qua. Dòng tiền cũng chảy mạnh vào chứng khoán khi giá trị khớp lệnh bình quân trên HOSE vượt 18.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với tháng trước.
Thị trường khởi sắc giúp hàng loạt cổ phiếu vẫn ghi nhận mức tăng ấn tượng, tâm điểm là "quán quân" tăng gấp 3 lần chỉ sau một tháng giao dịch.
Cổ phiếu tăng mạnh nhất HOSE tháng 2 "gọi tên" SFG của Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam. Sau thời gian lình xình dưới mệnh, cổ phiếu này liên tục bứt phá để leo lên 14.100 đồng/cp, tăng 50% sau một tháng và là mức cao nhất trong 20 tháng qua. Thanh khoản của mã này cũng cải thiện đáng kể từ trung bình vài nghìn đến chục nghìn cổ phiếu khớp lệnh trong phiên.
Hai cổ phiếu "họ" FPT cũng đua nhau nổi sóng, đồng loạt lập đỉnh lịch sử. Cổ phiếu FRT của FPT Retail (FRT) gây ấn tượng với mức tăng 34% trong tháng qua lên mức đỉnh cao nhất trong lịch sử. Nếu so với mức giá cách đây 1 năm, thị giá FRT đã tăng 2,3 lần lên mức 145.000 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hóa hơn 19.700 tỷ đồng.
Cùng chiều bứt phá, cổ phiếu FTS của Chứng khoán FPT cũng gây chú ý với chuỗi tăng miệt mài để lên 57.000 đồng - mức đỉnh cao nhất trong lịch sử niêm yết. Nhìn xa hơn, cổ phiếu chứng khoán này đã bứt phá gấp 3,5 lần trong 1 năm qua.
Trên HNX cũng xuất hiện cái tên "tăng bằng lần" trong tháng 2 là MCO của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam. Sau loạt phiên tăng kịch trần, thị giá MCO lên 19.800 đồng/cp. Bên cạnh việc tăng giá mạnh, thanh khoản cổ phiếu LDP cũng tích cực với hàng trăm nghìn cổ phiếu khớp lệnh, trong khi giai đoạn trước đó khối lượng giao dịch mã này chỉ loanh quanh vài trăm đến vài nghìn đơn vị mỗi phiên.
Trên UPCOM, top 10 cổ phiếu đều tăng trên 40%, song vẫn mờ nhạt trước đà tăng vũ bão của BCA. Sau thời gian dài "im hơi lặng tiếng", cổ phiếu BCA bất ngờ dậy sóng với hàng loạt phiên tăng kịch trần. Từ mức giá vỏn vẹn 6.700 đồng (31/1), thị giá BCA tăng dựng đứng lên mức 24.800 đồng (29/2), tương đương mức tăng 270% chỉ trong vòng 1 tháng. Thanh khoản BCA dù không quá cao song vẫn duy trì trăm nghìn đơn vị khớp lệnh trong phiên.
Trước đó, BCA từng có cú bứt phá 54% từ ngày 6/12/2023 đến 18/12/2023. Sau đó, thị giá hạ nhiệt về khoảng 6.000 đồng/cp và đi ngang cho đến trước khi "nổi sóng" trở lại trong thời gian gần đây.
Giải trình về diễn biến cổ phiếu BCA trong thời gian qua, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng biến động giá cổ phiếu BCA hoàn toàn phụ thuộc vào cung – cầu thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư, khẳng định không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường.
Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.853 tỷ đồng, tăng 55% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 398 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 73,9 tỷ đồng. Cả doanh thu và lợi nhuận của BCA đều thiết lập mức đỉnh cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn vào bức tranh tài chính của BCA, lợi nhuận năm 2023 lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà do việc nhận chuyển nhượng cổ phần để sở hữu công ty con.
Về BCA, doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2004 tại tỉnh Hải Dương với vốn điều lệ ban đầu là 8 tỷ đồng. Sau 3 lần tăng quy mô hoạt động, mức vốn điều lệ của BCA đã tăng gấp 23,8 lần lên mức 190 tỷ đồng.
BCA hiện đang hoạt động trong sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, trong đó ngành nghề chính là phôi thép, thép xây dựng, phế liệu kim loại, than coke, các sản phẩm phụ trợ của ngành thép.