Một đại gia xăng dầu vừa trở thành công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được kinh doanh khí LNG
"Đại gia" xăng dầu này được thành lập vào năm 2002 và hiện được đánh giá là một trong những công ty có vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường xăng dầu tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng ..
Thông thông tin từ S&P Global, công ty TNHH Hải Linh đã được cấp giấy phép xuất nhập khẩu khí LNG và trở thành công ty tư nhân đầu tiên được kinh doanh LNG, sau PV Gas.
Trước đó, ngày 8/5, tại Hội nghị vận hành thử nghiệm kho cảng LNG Cái Mép, Hải Linh cùng Công ty TNHH LNG Đại Tây Dương, Vịnh và Thái Bình Dương (AG&P LNG) có trụ sở tại Singapore, đã công bố ngày vận hành dự kiến của kho cảng LNG Cái Mép là tháng 9 năm 2024.
Kho LNG Cái Mép nằm tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ cung cấp các giải pháp cung cấp LNG tích hợp thông qua AG&P LNG và liên doanh hạ nguồn của Hải Linh - Vietfirst Gas - đơn vị đã ký kết thỏa thuận tiêu thụ LNG 1 triệu tấn/năm với nhà máy điện HPP và một thỏa thuận khác với một trong những đơn vị tổng hợp nhu cầu tại Việt Nam.
Công ty TNHH Hải Linh được thành lập vào năm 2002 và hiện được đánh giá là một trong những công ty có vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường xăng dầu tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng ... Hiện tại công ty có khoảng hơn 200 đại lý trên địa bàn các tỉnh trên, thị phần xăng dầu của công ty chiếm 20-30% và thị phần gas chiếm trên 50% thị phần khu vực.
Có những giai đoạn, Công ty TNHH Hải Linh là một trong 8 doanh nghiệp có doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính năm 2019, Hải Linh có doanh thu thuần đạt 18.880 tỷ đồng, vượt xa cả Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà của nữ doanh nhân Trần Tuyết Mai (bị bắt đầu năm 2024).
Sau nhiều lần tăng vốn, mới đây nhất vào tháng 4/2023, Hải Linh tăng vốn điều lệ lên 4.550 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm do ông Lê Văn Tám - Chủ tịch HĐTV của Hải Linh và bà Nguyễn Thị Hải (vợ ông Tám) góp đủ 100%. nhưng tỷ lệ thay đổi khi ông Tám nắm hơn 85,88% và bà Hải rút xuống còn 14,12%. Năm 2022, Công ty TNHH Hải Linh xếp hạng 68 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và xếp hạng 33 trong số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Ông Lê Văn Tám sinh năm năm 1966, là một đại gia xăng dầu nổi danh ở Phú Thọ. Ông là Chủ tịch HĐTV kiêm người đại diện theo pháp luật của Hải Linh. Ông nổi lên với câu chuyện thường được nhắc tới nhất là tòa lâu đài Hải Linh tọa lạc ngay mặt đường Nguyễn Tất Thành, giáp Công viên Văn Lang. Lâu đài Hải Linh sừng sững, tạo điểm nhấn cho TP. Việt Trì.
Đáng chú ý, thời điểm đầu năm 2024, trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đề cập đến Công ty TNHH Hải Linh cùng 6 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sai mục đích, không kết chuyển mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên.
Công ty TNHH Hải Linh đã kết chuyển số tiền trích lập và chi sử dụng vào tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhưng sau đó chuyển về tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để sử dụng với tổng số tiền trên 2.551 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi hơn 2.500 tỷ đồng của doanh nghiệp này đưa về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Xung quanh câu chuyện này, vào ngày 15/1, ông ông Lê Văn Tám, Chủ tịch HĐTV Hải Linh cho biết đã tiến hành rà soát lại số tiền 2.551 tỷ đồng nêu trên. "Tại thời điểm tháng 9/2022 đoàn thanh tra làm việc tại doanh nghiệp, công ty chúng tôi đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ theo đúng quy định và không còn nợ Quỹ BOG", đại diện Công ty TNHH Hải Linh khẳng định.
Trong thông cáo báo chí đăng tải trên website, Công ty TNHH Hải Linh nhấn mạnh, số tiền 2.551 tỷ đồng Quỹ BOG đã được trích lập và được trích xả theo các kỳ điều hành giá của Bộ Công Thương.
Liên quan đến sự việc, ông Lê Văn Tám đã có văn bản báo cáo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về tình hình thực hiện trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ BOG tính đến tháng 12/2023. Theo đó, tại ngày 31/12/2023, ghi nhận số dư Quỹ BOG của Công ty Hải Linh (có xác nhận của ngân hàng) còn trên 46 tỷ đồng.
Công ty Hải Linh khẳng định với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thông tin nêu trên chính xác, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.
Đến tháng 4/2024, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính đối với Công ty TNHH Hải Linh với số tiền hơn 160 tỷ đồng do có số tiền nợ thuế quá 90 ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định.
Mới đây, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra 6 doanh nghiệp đầu mối và 8 thương nhân phân phối xăng dầu, theo chương trình kiểm tra hàng năm của Bộ. Trong số này có doanh nghiệp đầu mối xăng dầu quy mô lớn tại miền Bắc là Công ty TNHH Hải Linh, trụ sở tại Phú Thọ.
Liên quan đến điều kiện kinh doanh của Công ty TNHH Hải Linh, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương Phú Thọ xác minh và cung cấp thông tin về 9 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu và 15 đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của Công ty TNHH Hải Linh trên địa bàn.
Các Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh cũng được Bộ Công Thương đề nghị xác minh, cung cấp thông tin về các đại lý bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối của Công ty Hải Linh đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh.