Một DN thủy sản trên sàn không thể trả nợ 137 tỷ cho BIDV, phải bàn giao cả chục triệu cổ phiếu cho Chi Cục Thi hành án
Công ty vừa bị Chi Cục Thi hành án Dân sự thành phố Cà Mau thu hồi tài sản đã báo lỗ trong 12 năm liên tiếp.
Ngày 19/3, Chi Cục Thi hành án Dân sự thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã thu hồi tài sản thế chấp của CTCP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Minh Hải (mã chứng khoán: JOS). Nguyên nhân được phía Thủy sản Minh Hải đưa ra là doanh nghiệp này không có khả năng thanh toán một khoản nợ cho BIDV.
Theo thông tin từ Chi Cục Thi hành án Dân sự thành phố Cà Mau, tính đến hết ngày 31/10/2023 Thủy sản Minh Hải phải thanh toán cho BIDV khoản nợ còn thiếu là gần 5,6 triệu USD (tương đương 137 tỷ đồng).
Số nợ của công ty này là BIDV là gần 161 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc là 87,9 tỷ đồng, nợ lãi hơn 73 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã đưa ra thông báo không thể trả khoản nợ trên nên sẽ bàn giao số tài sản cầm cố là 14,89 triệu cổ phiếu của CTCP Thủy sản Kiên Giang.
Theo tìm hiểu, hiện Thủy sản Minh Hải đang ghi nhận Thủy sản Kiên Giang là công ty liên kết khi sở hữu 49,49% vốn (tương đương 14,89 triệu cổ phiếu). Theo tìm hiểu, CTCP Thủy sản Kiên Giang cũng hoạt động chính trong ngành thủy sản, với sản lượng chế biến trên 10.000 tấn và xuất khẩu vào các thị trường lớn như Nhật, Hàn Quốc, EU, Nga, Trung Đông, và một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á.
Về Thủy sản Minh Hải được thành lập vào ngày 12/8/1998. Đây là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa đầu tiên trong ngành thủy sản Việt Nam. Vốn điều lệ sau khi cổ phần hóa là 10 tỷ đồng với 51% do Nhà nước nắm giữ. Hoạt động sản xuất chế biến chỉ bao gồm các phân xưởng máy móc nhỏ lẻ, tổng sản lượng chỉ đạt khoảng 150 tấn thành phẩm/tháng.
Tháng 8/2003, công ty tiếp tục bán 51% phần vốn nhà nước ra bên ngoài và chính thức trở thành công ty cổ phần 100% vốn sở hữu của tư nhân. Kể từ đây, công suất nhà máy tăng gấp 4 lần và sản lượng tăng lên hơn 600 tấn thành phẩm/tháng. Hơn 15 triệu cổ phiếu của công ty chính thức giao dịch trên UPCoM kể từ năm 2017.
Hiện nay, vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 150 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tấn Dương, Chủ tịch HĐQT đang là cổ đông lớn nhất của công ty này khi nắm giữ 18,88% vốn. Hồi đầu năm 2024, vị doanh nhân này đã hoàn tất bán gần 3,7 triệu cổ phiếu JOS để giảm sở hữu về như hiện tại.
Về tình hình kinh doanh, Thủy sản Minh Hải đang có bức tranh tài chính không mấy "sáng sủa" khi đã báo lỗ năm liên tiếp. Cụ thể, quý 4/2023, công ty báo ỗ ròng hơn 18 tỷ đồng trong quý 4/2023, lập chuỗi 13 quý lỗ liên tiếp từ quý 4/2020. Doanh thu rơi 65% còn hơn 12 tỷ đồng.
Theo giải trình của Thủy sản Minh Hải, có nhiều nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh quý 4 giảm, nhưng chủ yếu do cơ cấu hàng hóa có sự khác biệt so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến được Công ty giải trình cho biến động kết quả kinh doanh của 3 quý trước. Ngoài ra, chi phí tài chính gần 15 tỷ đồng là lý do khác kéo giảm lợi nhuận quý 4. Trong đó, chi phí lãi vay hơn 11 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp này lỗ ròng gần 34 tỷ đồng, đánh dấu năm lỗ thứ 12 liên tiếp. Tại thời điểm 31/12/2023, doanh nghiệp này đã lỗ lũy kế 570 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, Thủy sản Minh Hải có tổng tài sản đạt gần 220 tỷ đồng tại cuối năm 2023, giảm 21% so với đầu năm. Chủ yếu giảm mạnh ở các tài sản ngắn hạn như các khoản phải thu (hơn 7 tỷ đồng, giảm 86%) và hàng tồn kho (hơn 15 tỷ đồng, giảm 45%).
Nợ phải trả ở mức 533 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, Công ty vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 235 tỷ đồng, với các khoản vay có thời hạn từ 3-12 tháng tại các ngân hàng để bổ sung vốn kinh doanh với lãi suất theo từng giấy nhận nợ.