Một doanh nghiệp vừa lên sàn HOSE tham vọng làm "công viên logistics" khắp Việt Nam: Dùng kỹ sư trình độ Đại học thay vì công nhân, giảm tới 70% lao động

Theo kế hoạch, mạng lưới công viên logistics sẽ giúp kết nối các vùng, miền nuôi trồng, các khu công nghiệp với các hub giao thông của đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và các cửa khẩu.

Đầu năm 2024, Viettel Post đã thực hiện lễ ra quân và đồng thời công bố chiến lược chuyển mình thành một công ty logistics theo hướng chuyên nghiệp, xanh và hiệu quả, không còn đơn thuần là một doanh nghiệp chuyển phát. Theo tuyên bố, Viettel Post muốn làm tốt các lĩnh vực then chốt như công viên logistics, cửa khẩu thông minh, hạ tầng logistics xuyên biên giới, hệ thống liên vận giúp kết nối đồng bộ các trung tâm, khu công nghiệp, vùng nuôi trồng,... với các hub giao thông đường bộ, biển, cửa khẩu,...

Trong đó, hệ thống công viên logistics sẽ cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics như công nghệ bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ thông quan, kiểm hóa, kiểm dịch mà kết quả sẽ được công nhận ở các quốc gia khác. Mạng lưới công viên logistics cũng sẽ giúp kết nối các vùng, miền nuôi trồng, các khu công nghiệp với các hub giao thông của đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và các cửa khẩu.

Chia sẻ với Báo Chính phủ, Viettel Post cho biết để làm các công viên logistics, cung cấp toàn trình, đầy đủ các hệ thống từ kho thông minh, dịch vụ hải quan, Viettel Post sẽ dùng kỹ sư có trình độ đại học để khai thác chứ không phải dùng công nhân. Đồng thời, tất cả dùng robot, tiêu chuẩn cao nhất, và thiết lập ra một tiêu chí, KPI phục vụ cho vận hành ở mức cao nhất. Các công viên logistics có mức độ tự động hóa cao nhất, có thể giảm 60-70% nhân công. Điều này sẽ giúp tối ưu chi phí, với thời gian lưu chuyển hàng hóa nhanh nhất, chi phí thấp nhất.

Một doanh nghiệp vừa lên sàn HOSE tham vọng làm công viên logistics khắp Việt Nam: Dùng kỹ sư trình độ Đại học thay vì công nhân, giảm tới 70% lao động - Ảnh 1.

Trung tá Hoàng Trung Thành - Tổng giám đốc Viettel Post

Một hạng mục khác quan trọng không kém là cửa khẩu thông minh. Trung tá Hoàng Trung Thành - Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, hệ thống cửa khẩu thông minh mà Viettel Post dự kiến triển khai sẽ được ứng dụng các công nghệ vận tải xuyên biên giới bằng xe tự hành AGV, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, 24/24 giờ, được điều khiển bằng mạng 5G, từ đó tăng công suất thông quan lên 4-5 lần, giải quyết triệt để tình trạng tắc biên và giảm chi phí thông quan tới 70%.

Viettel Post cũng đang tiến hành đàm phán, hợp tác với chính quyền Nam Ninh - Trung Quốc về các cơ hội đầu tư logistics tại đây như: Đặt văn phòng, trung tâm logistics tại Nam Ninh; thúc đẩy hoạt động giao thương giữa 2 nước, tăng lưu lượng vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc; thành lập hiệp hội các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu logistics của Việt Nam - Trung Quốc để tối ưu chi phí, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa giữa 2 nước.

Nếu làm được, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm logistics kết nối 700 triệu dân ASEAN với thị trường 1,4 tỉ dân Trung Quốc, và hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics toàn cầu.

Trước đó, Viettel Post đã khai trương Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam tại Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), được giới thiệu là có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam. Tại đây sử dụng 200 robot tự hành chia chọn hàng hoá (robot AGV), hệ thống chia hàng lớn (Wheel Sorter Matrix) và hệ thống chia chọn dạng băng tải (Cross-belt Sorter). Viettel Post là công ty logistic đầu tiên tại Việt Nam triển khai công nghệ robot AGV, nhờ đó nâng mức độ tự động hóa trong khâu chia chọn hàng của Viettle Post lên 99%.

Một doanh nghiệp vừa lên sàn HOSE tham vọng làm công viên logistics khắp Việt Nam: Dùng kỹ sư trình độ Đại học thay vì công nhân, giảm tới 70% lao động - Ảnh 2.

Robot tự hành chia chọn hàng hoá tại Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh của Viettel Post

Với hơn 40 cổng xuất/nhập hàng, gần 1.200 cổng chia, tổ hợp có công suất xử lý lên đến 1,4 triệu bưu phẩm/ngày, tăng 40% so với trước đây, giúp nâng mức chịu tải toàn hệ thống Viettel Post lên 4 triệu bưu phẩm/ngày, tương đương đáp ứng 50% dung lượng thương mại điện tử tại Việt Nam. Tỉ lệ sai sót của tổ hợp gần như bằng 0, rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8-10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng. Nhờ tự động hoá, tổ hợp cũng giúp giảm 60% số lượng nhân sự.

Cuối tháng 12/2023, gần 122 triệu cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, Mã chứng khoán: VTP) đã được Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã chấp thuận niêm yết. Thời gian qua cổ phiếu VTP cũng được giao dịch sôi động với nhiều phiên thanh khoản tốt trên sàn UPCoM. Thị giá VTP cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi có thời điểm đã vượt đỉnh 50.000đ/cổ phiếu và hiện đang duy trì ở mốc 48.600 – 49.000đ/cổ phiếu.

Ban Lãnh đạo Viettel Post đặt mục tiêu trong 5 năm tới, doanh số tăng gấp 10 lần so với năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng 60-65% mỗi năm cho cả hoạt động cốt lõi và lĩnh vực mới. Việc tiên phong về công nghệ logistics tại Việt Nam tạo cho Viettel Post lợi thế cạnh tranh tốt hơn. Điều này tạo thuận lợi cho Viettel Post để thực hiện bước tiếp theo là “Go Global” để mở rộng xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.

Ngọc Diệp

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT