Một mặt hàng ‘ngon bổ rẻ’ của Việt Nam được Thái Lan, Hàn Quốc cực kỳ ưa chuộng: Xuất khẩu tăng phi mã kể từ đầu năm, nhu cầu tăng mạnh từ Á đến Âu

EU, Indonesia, Phlippines, Nga đều đang ưa chuộng mặt hàng này của Việt Nam.

Một mặt hàng ngon bổ rẻ của Việt Nam được Thái Lan, Hàn Quốc cực kỳ ưa chuộng: Xuất khẩu tăng phi mã kể từ đầu năm, Nga bắt đầu đặt gạch mua hàng - Ảnh 1.

Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng gia tăng giá trị, sản phẩm surimi – một dạng thịt cá xay được xử lý và tinh chế – đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong chiến lược xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam trong tháng 5/2025 đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, đạt gần 31 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ. Con số này góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này trong 5 tháng đầu năm lên hơn 140 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ, cao nhất trong 3 năm qua.

Với nguồn nguyên liệu phong phú, tay nghề chế biến ngày càng nâng cao, surimi đang trở thành điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Người tiêu dùng hiện đại ưa chuộng các sản phẩm tiện lợi, chế biến sẵn như thanh cua và cá giả từ surimi. Những sản phẩm này thường đã được nấu chín sẵn, không cần chế biến lại, rất phù hợp với nhịp sống bận rộn và nhu cầu ăn nhanh.

Đáng chú ý xuất khẩu sang các thị trường trong điểm như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản đều ghi nhận sự tăng trưởng cao, trên 30% so với cùng kỳ năm 2024. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khác như châu Âu, Indonesia, Philippines, Nga,…Điều này cho thấy trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng, các doanh nghiệp đang nỗ lực khai phá các thị trường ngách.

Hiện tại, nhu cầu surimi đang tăng mạnh trên toàn cầu, từ châu Á đến châu Âu và Bắc Mỹ, do đó Việt Nam có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu sản phẩm này. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thứ nhất, giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng do nguồn cá nguyên liệu ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh.

Thứ hai, các rào cản kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe, nhất là trong kiểm soát dư lượng hóa chất, chất bảo quản và điều kiện an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, chi phí logistics và sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia trong khu vực cũng tạo áp lực không nhỏ.

Để duy trì đà tăng trưởng, doanh nghiệp cần tập trung ổn định nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác các thị trường ngách và tăng cường phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong tháo gỡ thủ tục và xúc tiến thương mại cũng là yếu tố then chốt.

Hiện Việt Nam hiện có hơn 50 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chả cá và surimi. Ba công ty dẫn đầu là Dalu Surimi, Kicoimex và Khanh Hoang Seafood, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự chuyển biến tích cực từ thị trường và xu hướng tiêu dùng, chả cá và surimi Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.

Như Quỳnh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT