Một ngân hàng nhóm Big4 giảm lãi suất tiết kiệm xuống thấp nhất chỉ 1,6%
Ngày 15/3 có thêm một số ngân hàng công bố giảm lãi suất tiết kiệm. Đáng chú ý, một ngân hàng trong nhóm Big4 đưa lãi suất huy động xuống mức thấp nhất chỉ 1,6%.
Theo Biểu lãi suất huy động trực tuyến vừa được Agribank sáng 15/3, ngân hàng này chỉ giữ nguyên lãi suất 3%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6-9 tháng, trong khi các kỳ hạn còn lại đều được điều chỉnh giảm 0,1%.
Cụ thể, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,6%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng chỉ còn 1,9%/năm, kỳ hạn 12-18 tháng chỉ còn 4,7%/năm.
Như vậy, sau lần điều chỉnh này, lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên của Agribank đã về mức tương đương với Vietcombank. Trong khi lãi suất những kỳ hạn dưới 6 tháng thậm chí còn thấp hơn 0,1 điểm % so với Vietcombank.
Còn so với VietinBank hay BIDV, lãi suất tiền gửi tại Agribank đang thấp hơn khoảng 0,1 - 0,3 điểm %, tùy từng kỳ hạn.
Agribank là ngân hàng có mạng lưới giao dịch và số lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống. Số liệu mới nhất được công bố cho thấy, tổng huy động vốn năm 2023 của Agribank đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng.
Cũng trong sáng 15/3, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) điều chỉnh giảm lãi suất huy động nhưng chỉ áp dụng với kỳ hạn 12 tháng.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại ACB giảm 0,1%, xuống còn 4,7%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm dưới 200 triệu đồng.
Cũng với mức giảm tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đối với tài khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng là 4,8%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng với tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng là 4,85%/năm. Lãi suất ngân hàng cao nhất tại ACB là 4,9%/năm, cũng áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng đối với tài khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.
ACB giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn còn lại. Đối với tài khoản tiền gửi dưới 200 triệu đồng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ là 2,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 2,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng 2,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng 3,7%/năm, và kỳ hạn 9 tháng 3,9%/năm.
Hiện mức tiền gửi từ 5 tỷ đồng hiện có lãi suất cao nhất tại ACB. Chẳng hạn, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 tháng đang là 2,7%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 2,8%/năm, kỳ hạn 3 tháng 3%/năm, kỳ hạn 6 tháng 3,9%/năm và kỳ hạn 9 tháng là 4,1%/năm.
Trong diễn biến khác, BIDV vừa trở thành ngân hàng đầu tiên công khai lãi suất cho vay thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân tháng 3/2024 tại BIDV là 6,4%. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.
Theo báo cáo tài chính của BIDV, năm 2023, nhà băng này cho vay khách hàng 1,74 triệu tỷ đồng, tăng 17% và dẫn đầu hệ thống về cho vay trong năm qua.
Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra hôm nay (14/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn.
Cũng tại hội nghị ngày 14/3, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cũng cho biết, nếu các tổ chức tín dụng (TCTD) không thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân thì không chỉ NHNN sẽ đánh giá mà nền kinh tế, doanh nghiệp đánh giá. Hoặc nếu các ngân hàng chỉ công bố lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn vì lãi suất này thấp thì cũng không công bằng.
"Đây là lãi suất bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, từng doanh nghiệp hay từng loại hình thì không có gì vi phạm. Vì vậy, trách nhiệm khi cho vay, huy động là phải công bố lãi suất, việc này công bố không có gì khó khăn", lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.