Một ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ngay đầu tháng 7

Đây là ngân hàng thứ ba tăng lãi suất tiết kiệm ngay trong trong tuần đầu của tháng 7. Trước đó, NCB và Eximbank cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong những ngày qua.

Một ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ngay đầu tháng 7- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa điều chỉnh biểu lãi suất huy động ngay đầu tháng 7 với việc tăng mạnh ở tất cả kỳ hạn.

Cụ thể, với sản phẩm lãi suất tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng được SeABank tăng 0,5%/năm lên 3,2%/năm. Kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng 0,8%/năm, đạt 3,7%/năm.

Lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng đồng loạt tăng thêm 0,6%/năm. Cụ thể, kỳ hạn tiền gửi 6 tháng niêm yết mức lãi suất niêm yết là 4,2%/năm, 7 tháng 4,3%/năm, 8 tháng 4,35%/năm, 9 tháng 4,4%/năm, 10 tháng 4,45%/năm, và 11 tháng 4,5%/năm.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,5%/năm lên 4,95%/năm. Kỳ hạn 15 tháng cũng tăng thêm 0,5%/năm hiện đạt 5,5%/năm. Trong khi lãi suất kỳ hạn 18-36 tháng tăng 0,7%/năm lên 5,7%/năm.

Một ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ngay đầu tháng 7- Ảnh 2.

Biểu lãi suất huy động sản phẩm Tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ của SeABank

Ngoài Tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ, SeABank cũng tăng lãi suất tiết kiệm cho các sản phẩm tiền gửi khác. Trong đó, mức lãi suất huy động cao nhất đang được ngân hàng này áp dụng là 6,2%/năm dành cho sản phẩm Tiết kiệm bậc thang với số tiền gửi tối thiểu 10 tỷ đồng tại kỳ hạn 15 – 36 tháng. Với số tiền gửi ít hơn, lãi suất cao nhất được SeAbank áp dụng dao động trong khoảng 6,0 – 6,15%/năm tùy vào số tiền gửi.

SeABank là ngân hàng thứ ba tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 7. Trước đó, NCB và Eximbank cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong tuần này. Đáng chú ý, Eximbank mới đây đã tăng lãi suất huy động tiền gửi 4 tháng lên mức 4,7%/năm, tiệm cận với trần lãi suất 4,75%/năm do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng đã tăng 0,1%/năm lãi suất huy động tại các kỳ hạn 1-13 tháng từ ngày 3/7. Trong đó, kỳ hạn 7 tháng có lãi suất 5,4%/năm, 8 tháng là 5,45%/năm, 9 tháng là 5,55%/năm, và 10 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 11 và 12 tháng được áp dụng lãi suất lần lượt là 5,65%/năm và 5,7%/năm, lãi suất kỳ hạn 13 tháng tăng lên 5,8%/năm.

Với mức điều chỉnh này, NCB tiếp tục là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động dưới 12 tháng cao nhất hệ thống.

Đồng thời, NCB vẫn đang áp dụng mức lãi suất 6,1%/năm cho các khoản tiền gửi 18 – 60 tháng. Đây cũng là mức lãi suất huy động tiền gửi cao nhất nhì trên thị trường hiện nay (không tính các khoản tiền gửi có số tiền lớn đặc biệt).

Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tiếp tục nối dài trong tháng 6. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.

Trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank, ACB, SHB, VietinBank. Trong đó, nhiều nhà băng đã tăng lãi suất 2 – 3 lần trong tháng 6.

Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản tiền Đồng của các ngân hàng.

Lãi suất huy động được dự báo sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm, song mức tăng sẽ không lớn khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trước sức ép của tỷ giá, gây ra bởi chênh lệch lãi suất USD/VND lớn, NHNN đã tăng cường hoạt động hút tín phiếu trên thị trường mở đồng thời nâng dần mới lãi suất tín phiếu từ tháng tháng 4/2024. Diễn biến này, cùng với dự báo do nhu cầu tín dụng khởi sắc hơn trong nửa cuối năm sẽ đưa nền lãi suất tịnh tiến tăng trong phần còn lại của năm 2024.

"Phần lớn các NHTM dự báo nền lãi suất cuối năm sẽ tăng 1,0 – 1,5 điểm % so với mức thấp của đầu năm nay", VDSC cho biết.

Theo quan điểm của Chứng khoán MBS, lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024. Nhóm phân tích dự phóng lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có khả năng tăng thêm 0,5 điểm % lên 5,2% - 5,5% vào cuối năm 2024.

Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT