Một quỹ đầu tư hiếm hoi trên thị trường không có cổ phiếu ngân hàng trong danh mục, chốt lãi MWG thành công

Danh mục quỹ còn 9 cổ phiếu, trong đó TLG là khoản đầu tư lớn nhất với tỷ trọng 5,9%.

Ballad Fund - quỹ đầu tư thuộc SGI Capital vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 4/2024 với tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục tiếp tục giảm mạnh. Thời điểm 30/4, cổ phiếu chỉ còn chiếm 29%, đưa tỷ trọng tiền lên hơn 71%, tương ứng 62 tỷ đồng. Đây là mức tiền cao nhất của quỹ trong vòng 11 tháng, kể từ cuối tháng 5/2023.

Kết quả này đến từ động thái chốt lời mạnh tay một loạt cổ phiếu trong tháng 4, cụ thể Ballad Fund đã bán sạch các cổ phiếu ACB và MWG trong danh mục, tương ứng lượng bán ra lần lượt là 201,5 nghìn cổ phiếu và 100 nghìn cổ phiếu. Đồng thời quỹ cũng bán bớt PNJ (15 nghìn cổ phiếu) và QTP (500 cổ phiếu). Ngược lại quỹ không mua thêm bất kỳ cổ phiếu nào.

Đáng nói, quỹ bắt đầu gom mua MWG trong giai đoạn tháng 10 -11 /2023 - thời điểm cổ phiếu lao dốc mạnh về đáy dài hạn, sau đó đều đặn gia tăng lượng nắm giữ. Đến 2 tháng gần nhất khi thị giá MWG đã có quãng tăng mạnh, quỹ đã tiến hành bán ra nhằm chốt lời.

MWG_2024-05-08_13-39-58.png

Giao dịch MWG của Ballad Fund

Mặc khác, với việc chốt bán ACB, danh mục Ballad Fund vào cuối tháng 4 không còn bóng dáng của cổ phiếu ngân hàng. Đây là một trong số quỹ hiếm hoi trên thị trường không nắm giữ nhóm cổ phiếu vua.

Danh mục quỹ còn 9 cổ phiếu, trong đó TLG là khoản đầu tư lớn nhất với tỷ trọng 5,9%. Theo sau là các cổ phiếu QTP, FMC có tỷ trọng từ 4% - 5%. Tổng tài sản quỹ đạt 87,1 tỷ đồng, NAV/1 CCQ đạt 9.062 đồng, tăng 13,03% kể từ đầu năm 2024.

Untitled.png

Danh mục quỹ Ballad Fund tại thời điểm cuối tháng 3 và tháng 4/2024

Trước đó trong tháng 3, quỹ cũng mạnh tay bán một loạt cổ phiếu như ACV, BVH, GAS, MSN, SAB và 5 mã ngân hàng gồm CTG, MSB, TPB, VCB, VIB.

Động thái của Ballad Fund diễn ra trong bối cảnh thị trường đã trải qua một quãng tăng đáng kể. SGI Capital trong những báo cáo gần đây cũng tỏ ra thận trọng hơn về thị trường trong ngắn hạn. Theo quỹ, tỷ giá và lãi suất ổn định trở lại sẽ là điều kiện cần cho sự phục hồi của kinh tế và sự phân hoá tích cực trong lòng TTCK. Mặc dù vậy, kỳ vọng tăng trưởng cũng đã được phản ánh vào định giá nhiều doanh nghiệp khiến việc tìm kiếm cơ hội hấp dẫn đang trở nên khó khăn hơn.

Sự chênh lệch lãi suất Việt Nam vs Mỹ và các nước xung quanh ở mức âm kỷ lục đã tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Mức độ mất giá của VND chỉ ở mức trung bình so với các nước xung quanh, nhưng bắt đầu vượt ngưỡng kỳ vọng của SBV. Những công cụ điều hành về lãi suất ngắn hạn, bán ngoại tệ can thiệp, và đấu giá vàng miếng đang được SBV thực hiện và bước đầu đang giúp hạ nhiệt tỷ giá chợ đen và tỷ giá trong hệ thống ngân hàng, giảm bớt mong muốn đầu cơ.

Thêm vào đó, các dữ liệu vĩ mô tháng 04/2024 cho thấy về tổng thể nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hồi phục với tốc độ chậm. Áp lực lạm phát và tỷ giá có thể khiến lãi suất tăng nhẹ và thanh khoản không còn dồi dào cản trở đà hồi phục của tổng cầu.

photo-1715148515395

Đồng thời, lượng bán ròng khối ngoại cùng với kế hoạch phát hành lớn từ giờ tới cuối năm của doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh thanh khoản giảm vẫn là áp lực với thị trường cho những tháng tiếp theo. Lượng vay margin lớn kỷ lục cũng tiềm ẩn rủi ro nếu có biến động lớn xảy ra, đặc biệt là khi dư nợ tập trung vào nhóm chủ doanh nghiệp/ cổ đông lớn gặp khó khăn về thanh khoản và khả năng tiếp cận tín dụng.

Nhìn chung, SGI Capital đánh giá môi trường đầu tư đã kém thuận lợi hơn so với thời điểm 10/2023 sẽ đòi hỏi kỷ luật và sự kiên nhẫn trong việc chọn lựa cơ hội cũng như thời điểm giải ngân để có hiệu quả tốt.

Tuệ Giang

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT