Một sản phẩm nguy cơ thành ‘vết nhơ’ của Apple: Chưa ra mắt đã bị chê, mức giá ‘trên trời’ 3.500 USD, người mua chưa biết dùng để làm gì

Không biết ai sẽ mua Vision Pro?

Tuần trước, Kevin Roose, phóng viên The New York Times, được một nhân viên Apple dẫn đi xem kính thực tế ảo Vision Pro. Việc quay phim, chụp ảnh là hoàn toàn không được phép trong suốt quá trình trải nghiệm.

Sau 45 phút dùng thử thiết bị dưới sự giám sát của hai nhân viên Apple, anh chàng vẫn không biết liệu Vision Pro có đáng giá 3.500 USD hay không. Mức giá trên trời trên còn chưa bao gồm thuế hay chi phí phụ kiện bổ sung.

“Tôi không chắc Vision Pro có thể vượt qua thử thách 6 tháng hay không. Ban đầu, cảm giác cũng mới lạ đấy, song sau đó mất dần. Chỉ nửa năm sau, các sản phẩm thử nghiệm sẽ đều bám bụi trên kệ tủ”, Kevin Roose nói. “Không biết ai sẽ mua nó. Nó không phải sản phẩm dành cho số đông, thậm chí là người giàu”.

Dẫu vậy, anh phóng viên vẫn bị ấn tượng bởi Vision Pro. Đây là sản phẩm được sản xuất trong nhiều năm và tiêu tốn hàng tỷ USD của Apple, vậy nên trải nghiệm cũng khá thú vị.

Nếu bạn là một trong số 40% người Mỹ chưa bao giờ dùng thử kính thực tế ảo, Vision Pro có thể sẽ tạo ra sự kinh ngạc. Mọi điểm yếu thời kỳ đầu, chẳng hạn như màn hình mờ, bộ điều khiển rẻ tiền hay cảm giác đau đầu mỗi khi đeo - tất cả đều đã được Apple khắc phục.

Không giống như các hệ thống VR khác, Vision Pro không yêu cầu bộ điều khiển. Để điều hướng, bạn chỉ cần nhìn vào một biểu tượng, sau đó chụm ngón tay để chọn. Sẽ mất vài phút để làm quen thao tác.

“Nó khá nhẹ và không gây đau đầu như các sản phẩm VR khác. Dẫy vậy, tôi vẫn cảm thấy hơi khó chịu sau khi tháo kính ra”, Kevin Roose nói.

Sau một lúc trải nghiệm, nhân viên Apple hướng dẫn Roose sử dụng ứng dụng Ảnh trên Vision Pro. Mọi thứ khiến anh chàng vô cùng bất ngờ.

“Các bức ảnh và video trong bản demo của Apple đều tuyệt đẹp. Camera 3-D khiến chúng trở nên thật lắm. Cảm giác chính tôi đang trở thành một phần của khung cảnh đó. Tôi nghẹn ngào khi nghĩ đến việc xem lại những bước đi đầu đời của con trai theo cách này”, Roose nói.

Apple quảng cáo Vision Pro như một giấc mơ của nhân viên làm việc bàn giấy. Người dùng có thể mở bất kỳ cửa sổ ảo nào, thay đổi kích thước, di chuyển chúng trong không gian cũng như kết hợp với màn hình Mac trong thế giới thực. Fan hâm mộ phim ảnh và các trò chơi nhập vai cũng có thể sẽ thích phiên bản kính thực tế ảo này.

Tuy nhiên, những tính năng này cũng tương tự các sản phẩm VR khác. Trải nghiệm xem phim của Vision Pro không vượt trội đến mức được định giá trên 3.000 USD.

“Nếu không có bộ điều khiển bên ngoài, thiết bị sẽ không phù hợp để di chuyển chi tiết hoặc nhấn nút nhanh. Điều này khiến Vision Pro không phải sản phẩm phù hợp với các game thủ”, Roose nói.

Kính thực tế ảo rủi ro thành ‘vết nhơ’ của Apple: Chưa ra mắt đã bị chê, mức giá ‘trên trời’ 3.500 USD có thể bị đẩy lên gần 5.000 USD nếu tính thêm thuế, tiện ích - Ảnh 1.

Theo The New York Times, mức giá thực tế cho Vision Pro thậm chí sẽ cao hơn nhiều so với mốc 3.500 USD. Nhiều chuyên gia đang nghĩ tới con số 4.600 USD bởi một loạt các tiện ích và phụ kiện đi kèm. Chẳng hạn:

Hộp đựng trị giá 200 USD để bảo vệ Vision Pro khi di chuyển

Một cặp tai nghe, chẳng hạn như AirPods có giá 180 USD để nghe nhạc riêng tư

Bộ pin dự phòng trị giá 200 USD

Miếng lót kính trị giá 100 USD giúp tạo cảm giác thoải mái

Không rõ người mua sẽ sử dụng Vision Pro vào việc gì. Apple nhấn mạnh tiềm năng của nó như một công cụ làm việc, bên cạnh tính năng giải trí và xem video 3D.

Kế hoạch ra mắt Vision Pro bị nhận xét là quá sớm. Chẳng ai biết nó sẽ trở thành nền tảng điện toán mới quan trọng hay sản phẩm công nghệ độc chiếm vị trí thích hợp nào đó trong lòng fan hâm mộ Apple.

Một số nhà đầu tư và đối tác tiềm năng hiện vẫn quan ngại về khả năng người tiêu dùng chi tiền và thời gian cho metaverse. Họ lưu ý rằng công nghệ này đã khiến nhiều người vỡ mộng.

Trước đó, Meta cũng phải phải vật lộn thu hút người tiêu dùng và duy trì doanh số kính thực tế ảo. Walt Disney phải đóng cửa bộ phận phát triển chiến lược cho metaverse, trong khi Microsoft đóng băng một nền tảng thực tế ảo mua lại hồi năm 2017. Đội ngũ phát triển kính thực tế ảo cũng bị cắt giảm.

Một số kỳ vọng kính thực tế ảo của Apple sẽ thúc đẩy các sản phẩm metaverse. Họ đã dùng thử và cho biết chúng có thể vượt xa mọi đối thủ cạnh tranh trên thị trường, trong đó có Microsoft - công ty tiên phong trong lĩnh vực thực tế tăng cường song lại không thương mại hóa thành công sản phẩm HoloLens.

Để được phổ cập, kính thực tế ảo cần phải thật thoải mái, an toàn và có thiết kế đủ đẹp để mọi người không ngại đeo nơi công cộng. Ari Grobman, giám đốc điều hành của Lumus cho biết, đạt được điều đó đồng thời cung cấp tích hợp cho thiết bị bộ xử lý đủ mạnh và màn hình đủ tốt là bài toán khó vô cùng.

Trong khi đó, kính thực tế của Apple lại trông như kính trượt tuyết kém tính thẩm mĩ và chắc có lẽ người dùng chỉ dám đeo chúng ở trong nhà. Hiện tại, vẫn còn phải chờ xem liệu tính năng và độ thông minh của Vision Pro có khắc phục được yếu điểm vốn đã cản trở rất nhiều gã khổng lồ khác thành công trong công cuộc tạo ra cuộc cách mạng VR hay không.

Theo: The New York Times, WSJ

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT