Một số nhiệm vụ trọng tâm trong Công điện số 22 của Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 22/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính
Ngày 09/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 22/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương; Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025, chủ trì 8 Hội nghị với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp nước ngoài... và có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, góp phần tăng tốc, bứt phá, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng hai con số trong các giai đoạn tiếp theo để phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Ảnh minh họa
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục gia hạn, giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển bao gồm những nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2025 và Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trình Chính phủ trước ngày 15/3/2025.
Thứ hai, nghiên cứu, đề xuất về việc mở rộng đối tượng giảm thuế, giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3/2025.
Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, cơ chế Tổ công tác làm việc với các nhà đầu tư chiến lược; đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thứ tư, hoàn thiện dự thảo Đề án Phát triển kinh tế tư nhân, báo cáo Đảng ủy Chính phủ trong tháng 3/2025 trước khi trình Bộ Chính trị, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu tại văn bản số 13537-CV/VPTW ngày 24/2/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng.
Thứ năm, sớm hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết thí điểm để quản lý các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tài sản mã hóa, báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 13/3/2025.
Một số nhiệm vụ trọng tâm khác
Cũng tại Công điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết phê duyệt Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2025 - 2030; hoàn thành trước ngày 31/3/2025.
Các Bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thực chất để giải quyết dứt điểm trong tháng 3/2025 các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đã được thống kê tại các Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Hội nghị, buổi làm việc với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI của các đối tác lớn, quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, ASEAN; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời đề xuất giải pháp cụ thể, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2025.

Ảnh minh họa
Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án hoàn thiện chính sách thị thực, mở rộng việc cấp thị thực điện tử, nhất là đối với các nhà đầu tư, chuyên gia, chính sách cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo hướng thông thoáng, thân thiện, cởi mở hơn, giảm thiểu thủ tục để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, tài chính, các chuyên gia, người lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, góp phần thúc đẩy thu hút, hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; báo cáo Chính phủ trong tháng 3/2025.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan Xem xét, sớm giải quyết dứt điểm đề xuất của các ngân hàng nước ngoài, nhất là việc hỗ trợ cấp phép thành lập chi nhánh và chuyển đổi thành pháp nhân địa phương của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 3/2025; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp khuyến khích các ngân hàng nước ngoài tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào quá trình xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém tại Việt Nam.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực được phân công, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Công điện này và xử lý vướng mắc theo thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện này theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Khánh Hân (t/h)