Một thành viên HĐQT DIC Corp từ nhiệm ngay trước thềm ĐHĐCĐ lần 2

Một tháng sau khi từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc, ông Hoàng Văn Tăng tiếp tục xin từ nhiệm thành viên HĐQT DIC Corp ngay trước thềm ĐHĐCĐ lần 2.

Ngày 7/7, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, MCK: DIG, sàn HoSE) công bố thông tin về việc nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Hoàng Văn Tăng.

Đáng nói, cách đây khoảng 1 tháng, ông Tăng từng có đơn xin từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc và được HĐQT DIC Corp chấp thuận ngày 6/6. Ông Nguyễn Quang Tín được bổ nhiệm vào vị trí thay thế.

mot-thanh-vien-hdqt-dic-corp-tu-nhiem-ngay-truoc-them-dhdcd-lan-2-1688783360.jpeg
Ông Hoàng Văn Tăng xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT DIG. Ảnh: DIC Corp

Ông Hoàng Văn Tăng trình độ Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, cử nhân kinh tế. Từ tháng 7/2019 đến ngày 6/6/2023, ông Tăng giữ chức Tổng giám đốc và từ ngày 6/1/2018 đến tháng 7/2023 ông Tăng giữ chức danh thành viên HĐQT DIC Corp.

Ngược lại, ngày 5/6, DIC Corp thành lập Ủy ban Đầu tư trực thuộc HĐQT và ông Hoàng Văn Tăng được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch.

Trong đó, Ủy ban Đầu tư có chức năng, nhiệm vụ xác định các chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn, mục tiêu và kế hoạch cũng như chỉ tiêu thành tích cơ bản của DIC Corp; xác định các ưu tiên hoạt động của DIC Corp và đánh giá hiệu quả dài hạn các hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực đầu tư dự án bất động sản, Ủy ban Đầu tư có nhiệm vụ thẩm tra, thẩm định các đề xuất về nghiên cứu đầu tư, chủ trương đầu tư các dự án trong lĩnh vực đầu tư phát triển nhà ở, đô thị mới, du lịch, dịch vụ, bất động sản công nghiệp…; thông qua các quy định nội bộ về công tác đầu tư dự án.

DIC Corp có biến động nhân sự cấp cao ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 2 dự kiến tổ chức ngày 21/7. 

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 lần 1 vào ngày 28/6, DIC Corp ghi nhận có 539 cổ đông, đại diện 38,2% tổng số cổ phần lưu hành tham dự Đại hội, do vậy đại hội không đủ điều kiện diễn ra.

Đại hội không thể tổ chức được cho là do tỷ lệ cổ phiếu DIG trôi nổi bên ngoài tăng cao khi cổ đông lớn liên tục thoái ra và gia đình Chủ tịch bị bán giải chấp cuối năm 2022.

Cụ thể, cuối năm 2022, hai cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân sở hữu 20,45% vốn điều lệ; CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam sở hữu 21,25% vốn điều lệ. Cả hai đồng loạt thoái vốn xuống dưới 5% cộng với 39,73% cổ phần trôi nổi bên ngoài do gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp. Hiện có tới 82,69% cổ phần DIC Corp đang trôi nôi bên ngoài.
 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT