Một thành viên 'họ' Becamex báo lỗ kỷ lục trong 13 năm
Với việc ghi nhận lỗ ròng quý II/2023 ở mức 281,6 tỷ đồng, Becamex TDC đã ghi nhận lỗ ba quý liên tiếp đồng thời là mức lỗ đậm nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết năm 2010 đến nay.
Sau khi bị HoSE nhắc nhở, CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC, mã TDC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2023 cho thấy kết quả kinh doanh bết bát.
Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 134,69 tỷ đồng, giảm 79,7% so với cùng kỳ. Doanh thu hầu hết các mảng đều sụt giảm, giảm mạnh nhất phải kể đến doanh thu bất động sản chỉ còn 1/9 cùng kỳ với 52 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng xây dựng cũng giảm sốc còn chưa đến 4 tỷ, doanh thu bán thành phẩm giảm một nửa còn 156,6 tỷ đồng...
Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp chỉ còn 36 tỷ đồng, bằng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại chi phí trong kỳ đều tăng như: Chi phí tài chính tăng 11,4%, lên 64,68 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 7% lên 30,2 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận khác ghi nhận âm 224,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 86,73 tỷ đồng.
Có thể thấy, lợi nhuận gộp không đủ trả chi phí đồng thời hoạt động khác lại ghi nhận lỗ kỷ lục. Đây là hai nguyên nhân chính dẫn tới TDC báo lỗ ròng quý II/2023 ở mức 281,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 133,5 tỷ đồng.
Đây là quý lỗ thứ ba liên tiếp của Becamex TDC đồng thời là mức lỗ kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp niêm yết năm 2010 tới nay.
Theo giải trình, Becamex TDC cho biết, trong quý II/2023, lợi nhuận của các công ty con không cao trong khi lợi nhuận tập trung chủ yếu ở công ty mẹ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, TDC ghi nhận doanh thu 238,7 tỷ đồng giảm 70,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế âm gần 322 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 23,6 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Becamex TDC đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.107,18 tỷ đồng, giảm 52,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 93,4 tỷ đồng, tăng 42,5% so với thực hiện trong năm 2022.
Bên cạnh kinh doanh thua lỗ, trong nửa đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Becamex TDC còn ghi nhận âm 60,8 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 539,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 13,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 68,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Becamex TDC giảm nhẹ 0,3% so với đầu năm, xuống 3.840,2 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 583,9 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng tài sản. Đây cũng là mục biến động mạnh nhất trong cơ cấu tài sản khi giảm 34,9% so với đầu năm.
Ngoài ra, các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 449,9 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 398,1 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 4,6% so với đầu năm, lên 1.782 tỷ đồng, tức gấp đôi vốn chủ sở hữu.
Đáng chú ý, tính tới 30/6/2023, tổng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của Becamex TDC đã chuyển từ dương 38,9 tỷ đồng xuống âm 282,6 tỷ đồng, xóa bỏ toàn bộ lợi nhuận lũy kế kiếm được trong nhiều năm và bằng 28,3% vốn điều lệ.
Trước đó, Becamex TDC nằm trong số các doanh nghiệp niêm yết bị HoSE nhắc nhở vì chậm công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Ngoài TDC, danh sách này còn có HPX, IBC, DAG, SJF.