Một thương hiệu trà sữa giới hạn chỉ bán 100 ly nhãn dừa mỗi ngày, khách hàng cho rằng đang "tạo hiệu ứng khan hiếm"?
Việc thương hiệu Bông Biêng bán số lượng hạn chế với món nước nhãn dừa đang dây nhiều tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội.

Thương hiệu đồ uống Bông Biêng vừa thông báo sẽ giới hạn số lượng phục vụ món "Nhãn Dừa" xuống còn 100 ly mỗi ngày tại mỗi cửa hàng, với lý do "giữ trọn hương vị". Theo nội dung đăng tải trên các kênh chính thức, thương hiệu cho biết việc giới hạn nhằm đảm bảo chất lượng, sử dụng nguyên liệu nhãn tươi bóc tay thủ công, chế biến từng công đoạn một cách kỹ lưỡng.
Ngay sau khi thông tin được công bố, bài đăng này đã thu hút nhiều bình luận từ cộng đồng mạng trên nền tảng Threads, trong đó có ý kiến cho rằng Bông Biêng đang áp dụng chiến lược marketing tạo hiệu ứng khan hiếm. Một số người dùng đặt câu hỏi về tính minh bạch của việc giới hạn 100 ly mỗi ngày, trong khi số khác cho rằng đây là cách hợp lý để đảm bảo sản phẩm làm từ trái cây tươi giữ được chất lượng ổn định.

Tài khoản @lyly_97*** bình luận: "Rồi có ai đặt 101 cốc/ngày để biết người ta nói thật hay không đâu trời, bảo limit 100 cốc nhưng bán 500 cốc đố biết được đó". Ý kiến này phản ánh sự hoài nghi về tính minh bạch của việc giới hạn số lượng bán ra mỗi ngày. Một số người khác cho rằng thông điệp của thương hiệu đang đi theo lối "mỹ từ hóa", khiến hình ảnh trở nên khiên cưỡng.
Trong khi đó, tài khoản khác cho rằng việc tạo hiệu ứng khan hiếm trong marketing. Cảm giác Bông Biêng hơi đề cao quá và muốn làm high-end trà sữa nhưng Việt Nam đầy rẫy brand trà sữa được đánh giá cao. Tài khoản này cũng cho rằng brand nên dùng tiền để mở thêm chi nhánh, làm một cái flagship store thay vì một cửa hàng nhỏ như hiện tại".
Thậm chí một số bình luận còn nhắc lại những lùm xùm trước đây của thương hiệu, cho rằng việc "định vị cao cấp" hiện tại là chưa tương xứng với chất lượng thực tế.
Ở chiều ngược lại, một số người lại đồng tình với cách làm của Bông Biêng và cho rằng việc giới hạn số lượng có thể xuất phát từ yêu cầu về quy trình sản xuất thủ công, nhất là khi sử dụng trái cây tươi. Tài khoản @thelitle.prin*** viết: "Có vẻ như giới hạn cũng là một điều dễ hiểu vì theo cá nhân tôi thấy nếu dùng nhãn tươi thật thì khâu sơ chế khá là lâu. Nếu không nhận định được có thể làm bao lâu trong một ngày thì món ra bị dở và khả năng mất khách khá là cao. Nên chơi bài tạo độ khan hiếm thì vừa tôn được sản phẩm mà vẫn đảm bảo được chất lượng".
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu đồ uống hiện nay, việc nhấn mạnh vào nguyên liệu tươi và số lượng giới hạn cũng là một cách để thương hiệu tạo điểm khác biệt.

Thậm chí, việc giới hạn số cốc đang trở thành cơ hội cho nhiều người "mua hộ" lấy công từ 10-15.000 đồng/mỗi cốc
Hiện tại, phía Bông Biêng chưa có thêm phản hồi nào liên quan đến các thảo luận đang diễn ra trên mạng xã hội.
Thúy Hạnh