Một tỉnh dự kiến lên thành phố trực thuộc trung ương sẽ thu hút 100 tỷ USD làm loạt đại dự án, không dựa vào ngân sách
Từ nay đến 2030, tỉnh này dự kiến huy động vốn đầu tư nhiều nhất ở khu vực ngoài nhà nước và FDI, khoảng gần 100 tỷ USD, chiếm 82% tổng số vốn, còn lại 17% là vốn nhà nước.
Theo Quyết định 1279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành ngày 1/11 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để thực hiện tốt quy hoạch, tỉnh sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo phương châm: Nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực và ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu. Đồng thời, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.
Cụ thể, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP là 10% bình quân trong thời kỳ quy hoạch 2021 – 2030, tỉnh Quảng Ninh dự kiến huy động 2.884 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, Quảng Ninh dự kiến huy động vốn đầu tư nhiều nhất ở khu vực ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài FDI, trong giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 2.361 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 100 tỷ USD, chiếm khoảng 82% tổng số vốn.
Riêng nguồn vốn khu vực nhà nước (gồm ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, vốn vay từ khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước) khoảng 493 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 17%. Đáng chú ý, riêng nguồn vốn trong khu vực nhà nước giai đoạn 2026 – 2030 chiếm khoảng 13% tổng số vốn.
Theo đó, từ nay đến 2030, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư 72 dự án trong quy hoạch tỉnh. Vốn ngoài nhà nước và FDI dự kiến sẽ rót vào hàng loạt các KCN như KCN phía Nam và Bắc đầm Nhà Mạc, KCN phía Đông sông Rút, phía Tây sông Khoai, Uông Bí, Việt Hưng 2, Cẩm Phả 2, Đông Triều 2, Hải Hà 1, Hải Hà 2, KCN dịch vụ và logistic Vạn Ninh, KCN cảng biển Hải Hà,…
Hiện tại, việc phát triển và thu hút vốn đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển của tỉnh và đã đạt kết quả nhất định. 10 tháng năm 2023, tỉnh đã thu hút được 3,09 tỷ USD (tương đương 72.164 tỷ đồng) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đứng đầu cả nước, vượt qua Hải Phòng, TP HCM, Hà Nội, Bắc Giang,…
Quảng Ninh đang có dư địa mạnh để phát triển KCN. Toàn tỉnh có 16 KCN quy mô 12.886 ha, bao gồm các KCN đã đi vào hoạt động, các KCN đang trong quá trình xây dựng và các KCN đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư. Theo quy hoạch, tỉnh dự kiến sẽ có thêm 8 KCN nữa với tổng diện tích quy hoạch là 6.589,03 ha ngoài 16 KCN đã có.
Quay trở lại với danh mục dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030, sẽ có hàng loạt dự án lớn về logistic và điện dự kiến thực hiện bằng nguồn vốn ngoài nhà nước và FDI như: Trung tâm logistic tại KKT ven biển Quảng Yên, Móng Cái, trung tâm logistic sân bay Vân Đồn; Khu logistic tại KKT Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, huyện Bình Liêu; khu bến Cẩm Phả, Khu bến Yên Hưng; Khu bến Hải Hà; bến cảng Mũi Chùa; Bến cảng Vạn Ninh; dự án nhà máy điện LNG, điện gió trên bờ và ngoài khơi,…
Bên cạnh đó, các dự án đô thị - thương mại và khoa học công nghệ sẽ sử dụng nguồn vốn này bao gồm: Các Khu công nghệ thông tin tập trung tại Hạ Long ICT Park, Quảng Yên, Vân Đồn; xây dựng các đô thị lớn tại Hạ Long, Quảng Yên, Móng Cái, Hải Hà; các trung tâm thương mại đa năng tại Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn; Trung tâm giao dịch nông lâm thuỷ sản quốc tế tại Móng Cái; hay Trung tâm vui chơi giải trí Móng Cái,…
Trong một diễn biến liên quan, hồi tháng 2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/QĐ- TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo Quy hoạch này, thì đến 2025, Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị; đến năm 2030 có 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.