MSB sẽ mua hai tòa nhà của TNR

HĐQT MSB đã thông qua phương án nhận chuyển nhượng tòa nhà TNR 54A Nguyễn Chí Thanh và tòa nhà 180-192 Nguyễn Công Trứ từ nhóm TNR.

msb-se-mua-hai-toa-nha-cua-tnr-antt-1680595274.PNG
HĐQT MSB đã thông qua phương án nhận chuyển nhượng tòa nhà TNR 54A Nguyễn Chí Thanh và tòa nhà 180-192 Nguyễn Công Trứ từ nhóm TNR. Ảnh minh họa

Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank, MCK: MSB) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất 2022 và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất 2022, MSB ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt 5.787 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2021 và đạt 85% kế hoạch năm.

Kết quả này đến một phần từ việc MSB đã cắt giảm hơn 1.000 tỷ đồng, tương đương gần 70% chi phí dự phòng rủi ro. Dù báo lãi nhưng một số mảng kinh doanh của MSB ghi nhận thua lỗ, như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 61% so với năm trước, lãi thuần từ hoạt động khác lỗ 423 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 662 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản Maritime Bank đạt 213.393 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 18,8% đạt hơn 120.643 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 23,8% đạt 117.120 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022 cũng thể hiện MSB đang có 2.067 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 300 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm tỷ trọng lớn với 1.009 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 616 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2021 (345 tỷ đồng).

Còn theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông, HĐQT MSB sẽ trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Ngân hàng cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hoá ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của NHNN.

Theo dữ liệu của PV, giai đoạn cuối năm 2022, HĐQT của Maritime Bank đã thông qua chủ trương mua lại 2 tòa nhà của nhóm TNR, trong đó đáng chú ý có 1 tòa nhà từng thuộc sở hữu của MSB.

Cụ thể, MSB sẽ mua lại tòa nhà TNR 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đây là tòa nhà thuộc quyền sở hữu của CTCP đầu tư và phát triển bất động sản VN Gateway. Tiền thân của VN Gateway là CTCP đầu tư và phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam.

TRN Holdings Việt Nam là đối tác mua lại dự án Tổ hợp Văn phòng cho thuê – Dịch vụ Thương mại - Căn hộ và Trường Mầm non số 56 (số mới 54A) Nguyễn Chí Thanh từ CTCP Vincom Retail từ tháng 12/2015. Sau đó, dự án này được thế chấp cho MSB. Maritime Bank cũng là đối tác thuê 4 sàn tại dự án này.

Ngoài ra, MSB cũng thông qua chủ trương mua toàn nhà TNR Tower 180-192 Nguyễn Công Trứ. Tòa nhà này trước đây có tên gọi cũ Maritime Bank Tower thuộc sở hữu của công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Maritime Bank (MSB AMC)– Công ty con của MSB. Năm 2021, Nhà băng này đã thoái vốn tại MSB AMC.

Sau đó, tòa nhà đổi tên thành TNR Tower do TNR Holdings quản lý, công ty này thuộc TNG Holdings, một tập đoàn đa ngành do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – vợ Chủ tịch MSB Trần Anh Tuấn quản lý.

Năm 2017 rộ lên thông tin đối tác Hàn Quốc dự tính chi 62 triệu USD để mua lại tòa nhà này. Tuy nhiên, đến nay thương vụ trên vẫn chưa được hoàn tất.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT