Mua cổ phiếu để chống lạm phát: Chuyện điên rồ ở Thổ Nhĩ Kỳ khi chứng khoán tăng gấp đôi thị trường Mỹ, hấp dẫn hơn cả vàng và bất động sản
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chứng khoán đang trở thành tài sản chống lạm phát chẳng kém gì vàng khi người dân đua nhau gom cổ phiếu.
Hãng tin CNN cho hay thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm 2024 đến nay đang nóng bỏng chưa từng thấy. Chỉ số BIST 100 Index đã tăng 19,8% trong 3 tháng qua, cao gấp đôi so với mức 8,5% của chỉ số S&P 500 tại Mỹ.
Con số này khiến chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 2 thế giới về thành tích tăng trưởng thời gian qua trên thế giới, chỉ đứng sau Nikkei 225 của Nhật Bản.
Tuy nhiên điều trớ trêu là khi chứng khoán Nhật Bản tăng trưởng nhờ chính phủ chấm dứt mức lãi suất âm kéo dài suốt 17 năm thì người dân Thổ Nhĩ Kỳ lại đua nhau gom cổ phiếu để chống lạm phát.
"Trong bối cảnh lạm phát cao, người dân nếu có tiền thì thường không muốn gửi ngân hàng mà sẽ tìm kênh tài sản trú ẩn", Giám đốc điều hành Jacob Grapegiesser của East Capital nhận định.
Đồng quan điểm, phó giám đốc Jonas Goltermann của Capital Economics cho rằng một nửa mức tăng của BIST 100 Index gần đây là do yếu tố đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá.
Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 40% trong 12 tháng qua và mất hơn 80% giá trị kể từ năm 2019.
Việc đồng nội tệ mất giá khiến nhiều hãng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ thu được lợi nhuận nhiều hơn cho mỗi USD hay Euro kiếm được từ nước ngoài, qua đó kích thích lợi nhuận và gia tăng sức hút từ chứng khoán.
Hấp dẫn hơn cả bất động sản
Theo CNN, không riêng gì chứng khoán mà hàng loạt kênh giao dịch như vàng, ngoại tệ trên chợ đen tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng cực kỳ sôi động. Tuy nhiên thay vì mừng rỡ khi mua được vàng hay đồng USD, những nhà giao dịch đều lộ nét lo âu trên gương mặt.
Nguyên nhân thì khá rõ khi đồng Lira mất giá và người dân phải tìm cách trữ tài sản chứ không thực sự có nhu cầu đầu cơ kiếm lời.
"Đồng tiền của chúng tôi giờ đây gần như vô giá trị. Mọi người không thấy lạm phát giảm nên họ chẳng còn tin tưởng vào đồng Lira nữa", chuyên gia giao dịch Adnan Kapukaya trên thị trường chợ đen nói với CNN.
Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên đến 67% trong tháng 2/2024 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đó chỉ là báo cáo chính thức, còn nhiều số liệu ước tính khác cho thấy con số thực tế đã vượt 100%.
Sau khi nâng mức lãi suất lên 45% vào tháng 1/2014, cao gấp nhiều lần so với mức 8,5% cùng kỳ năm ngoái, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) đã cam kết sẽ không tăng lãi suất nữa.
Thế nhưng mới đây, CBRT đã phá vỡ lời cam kết khi tiếp tục nâng lãi suất lên 50%.
Ngay cả như vậy thì con số này cũng chẳng chống lại nổi đà lạm phát quá cao ở Thổ Nhĩ Kỳ, buộc người dân phải đổ xô đến chợ vàng, ngoại tệ và các sàn chứng khoán để trú ẩn tài sản với va li đầy tiền, thay vì đem đi gửi ở ngân hàng.
Trước đây bất động sản vốn là kênh giữ tài sản ổn định của người Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vì lạm phát quá mạnh và tính thanh khoản của đất đai không cao nên người dân đang chuyển qua cổ phiếu, vàng và ngoại tệ.
Tuy nhiên nhiều người làm công ăn lương tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang cảm thấy khó khăn vì lạm phát quá cao và không có tiền thừa để giữ tài sản.
"CBRT đã tăng lãi suất thẻ tín dụng lên mức 5%/tháng, đây là con số mà hầu như chẳng người dân nào có thể chịu đựng nổi", chuyên gia kinh tế Kerim Rota nói với CNN.
Thấp kỷ lục
Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức đỉnh 85% vào tháng 10/2022 trước khi giảm xuống còn 40% vào giữa năm 2023 để rồi tăng trở lại vào đầu năm 2024.
Nguyên nhân chính là nền kinh tế nước này phụ thuộc quá lớn vào lương thực, năng lượng nhập khẩu, đồng thời với đó là lệnh cấm vận của Mỹ khiến lạm phát tăng cao.
Kể từ năm 2003, Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các dự án lớn khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bùng nổ. Tổng GDP của nước này đã lên đến 1 nghìn tỷ USD và trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới.
Tuy nhiên, chính việc đầu tư mạnh vào các lĩnh vực như hạ tầng và viễn thông đã đẩy mức nợ của Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao và khiến nước này phụ thuộc nhiều vào dòng vốn nước ngoài.
Chiến lược vay nợ và đầu tư để phát triển kinh tế đã lộ rõ mặt trái khi tốc độ lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt 20% vào năm 2019 và đồng Lira tụt giá chóng mặt so với đồng USD.
Tuy nhiên thay vì tăng lãi suất chống lạm phát thì CBRT lại giảm lãi suất khiến tình hình càng tệ hơn, dẫn đến mức lạm phát kỷ lục năm 2022.
*Nguồn: Fortune, CNN