Mua hàng nghìn tấn mỗi tháng, 'vàng trên cây' của Việt Nam có khách VIP từ Đông sang Tây, chinh phục được cả 'ông trùm' thế giới Trung Quốc

Là trùm thế giới nhưng Trung Quốc vẫn mua mặt hàng này từ Việt Nam.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu chè trong tháng 1/2025 đạt 9,7 nghìn tấn, trị giá 16,4 triệu USD, giảm 21,6% về lượng và giảm 21,5% về trị giá so với tháng 1/2024.

Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 1/2025 đạt 1.693,7 USD/ tấn, tăng 0,2% so với tháng 1/2024. Xuất khẩu chè giảm đáng kể trong tháng 1/2025 là kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán vào tuần cuối tháng 1/2025, khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa bị gián đoạn.

Trong tháng 1/2025, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng chè của Việt Nam, chiếm tới 35,1% tổng lượng và 38,7% tổng trị giá xuất khẩu chè của cả nước. Xuất khẩu sang Pakistan trong tháng 1/2025 đạt 3,4 nghìn tấn, trị giá 6,4 triệu USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 30,3% về trị giá so với tháng 1/2024.

Pakistan là một trong những quốc gia tiêu thụ chè hàng đầu thế giới, với văn hóa uống trà đặc sắc. Quốc gia này nhập khẩu chủ yếu chè đen, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng địa phương. Mặc dù giá chè xuất khẩu của Việt Nam còn thấp so với các đối thủ như Ấn Độ và Sri Lanka, nhưng nhờ vào sự ổn định về nguồn cung và giá cả cạnh tranh, chè Việt Nam vẫn giữ được lợi thế trên thị trường Pakistan.

Mua hàng nghìn tấn mỗi tháng, 'vàng trên cây' của Việt Nam có khách VIP từ Đông sang Tây, chinh phục được cả 'ông trùm' thế giới Trung Quốc- Ảnh 1.

Đáng chú ý, mặt hàng chè xuất khẩu tới thị trường Nga ghi nhận mức tăng trưởng cao trong tháng 1/2025, đạt 632 tấn, trị giá 1,2 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và tăng 48,5% về trị giá vươn lên thành thị trường lớn thứ 2. Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đứng ở vị trí số 3, đạt 713 tấn, trị giá 1,16 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 15,3% về trị giá. Bên cạnh đó, Trung Quốc đứng thứ 4 với thị phần tăng mạnh từ 5,5% lên 8,2% trong năm 2025.

Theo Hiệp hội chè, Việt Nam là một nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Chè Việt Nam đã có mặt tại hơn 70 quốc gia vùng lãnh thổ. Hiện Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, trong đó chè đen và chè xanh là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu.

Thống kê từ Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000ha, giảm khoảng 12.000ha so với năm 2015.

Hiện, chè Việt Nam tập trung chủ yếu tại các tỉnh như Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Nghệ An, Yên Bái và Hà Giang. Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, giá chè Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế vẫn còn thấp.

Theo các chuyên gia, ngành chè Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới. Dự báo đến năm 2030, sản lượng xuất khẩu chè có thể đạt 136,5 nghìn tấn, tăng trung bình 0,82%/năm, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng chè sản xuất.

Thị trường chè toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, dự kiến đạt 70,19 tỷ USD vào năm 2028. Các yếu tố như thay đổi lối sống, nhận thức tăng cao về lợi ích sức khỏe từ việc uống chè, và sự gia tăng của các sản phẩm chè cao cấp đang thúc đẩy sự tăng trưởng này. Chè Việt Nam, với chất lượng cao và sự đa dạng về chủng loại, có thể tận dụng những cơ hội này để gia tăng xuất khẩu. Chè đen và chè xanh sẽ tiếp tục là hai chủng loại chủ đạo, với các sản phẩm đặc biệt như chè sạch, chè hữu cơ và chè pha lạnh, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Khánh Vy

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT