Mua lại doanh nghiệp giá 20 triệu đồng rồi 'vẽ' dự án để lừa đảo

Sau khi mua lại một doanh nghiệp giá 20 triệu đồng, Đảng "vẽ" ra nhiều dự án lớn để kêu gọi nhà đầu tư tham gia, sau đó chiếm đoạt tiền.

mua-lai-doanh-nghiep-gia-20-trieu-dong-roi-ve-du-an-de-lua-dao-antt-1708417816.PNG
Ảnh minh họa

Ngày 20/2, Viện KSND TP.Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phạm Văn Đảng (SN 1991, ở phường Đức Giang, quận Long Biên) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo thông tin ban đầu, năm 2016, Đảng mua lại Công ty TNHH thiết kế 3D Viettek với giá 20 triệu đồng rồi nhờ người quen là bà Đặng Thị M. (SN 1946, trú tại thị xã Sơn Tây) đứng danh nghĩa Giám đốc, đại diện pháp luật.

Để điều hành hoạt động của Công ty Viettek dưới danh nghĩa bà Đặng Thị M., Đảng tự ký chữ ký và đăng ký sử dụng mẫu chữ ký mang tên bà Mát với các cơ quan chức năng. Ngoài ra, Đảng còn làm Giấy ủy quyền với nội dung: Bà M. ủy quyền cho Phạm Văn Đảng điều hành mọi hoạt động của Công ty Viettek; sử dụng con dấu công ty, con dấu chữ ký của bà Đặng Thị M..

Quá trình vận hành doanh nghiệp, Đảng lên mạng internet, vào trang web của một số doanh nghiệp bất động sản, tải hình ảnh về các dự án của các tập đoàn này vào máy tính. Đồng thời, thuê người chèn nội dung vào các hình ảnh thể hiện Công ty Viettek là chủ đầu tư hoặc liên kết đầu tư các dự án đó rồi in thành nhiều cuốn catalog.

Đảng giới thiệu Công ty Viettek là chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp phân phối các dự án như Khu du lịch sinh thái Bình Yên với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng (dự án đang chờ thẩm tra); Khu Du lịch dịch vụ sinh thái Sơn Đông với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng (dự án đã giải phóng mặt bằng); Khu nhà ở thấp tầng Manhattan; Đầu tư, mua 20 lô biệt thự giá 300 tỷ đồng tại dự án FLC Hạ Long; Đầu tư, mua 50 lô biệt thự trị giá 450 tỷ đồng tại dự án Lideco; Đầu tư, mua 10 lô biệt thự nhà vườn, lô đất trị giá 200 tỷ đồng Dự án FLC Sầm Sơn và phân phối Dự án Eco Valley Resort....

Ngoài ra, bị can còn soạn thảo các văn bản với nội dung "tuyển cộng tác viên bán bất động sản” theo hình thức đa cấp. Mỗi cộng tác viên khi tham gia nhận được 1 mã ID với phí tham gia là 3,5 triệu đồng.

Các môi giới được tham gia vào các quỹ thưởng bất động sản, lôi kéo thêm càng nhiều cộng tác viên tham gia thì số tiền thưởng càng cao.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, do thấy Đảng không có khả năng trả tiền hoa hồng cho những người nộp tiền như đã cam kết, nhiều bị hại tìm đến trụ sở công ty đòi tiền thì Đảng trốn tránh.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, trong thời gian từ ngày 22/11/2016 đến ngày 17/1/2017, Phạm Văn Đảng nhận của 34 người bị hại (là các cộng tác viên) với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cũng đã xác minh, triệu tập, nhưng đến nay mới có 31/34 cá nhân đến làm việc và có yêu cầu bồi thường.

Trong quá trình điều tra, Phạm Văn Đảng đã nộp cho Cơ quan điều tra hơn 650 triệu đồng để khắc phục hậu quả. 

Ngoài ra, trước đó bị can đã dùng hơn 207 triệu đồng để trả thưởng, trả lợi nhuận cho chính những người nộp tiền.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT