Mực nước hồ thủy điện cải thiện, vì sao miền Bắc vẫn có thể cắt điện luân phiên?
Dù mực nước các hồ thủy điện đã được cải thiện, một số tổ máy nhiệt điện được khắc phục song, do miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới vẫn có thể cắt điện luân phiên.
Ngày 22/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát đi thông báo về tình hình cung ứng điện trong thời gian tới tại miền Bắc.
Theo đó, EVN cho biết, những ngày gần đây, mực nước các hồ thuỷ điện đã được nâng lên, một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố đã được khắc phục, tình hình cung ứng điện đã được cải thiện. Từ ngày 23/6, hệ thống điện miền Bắc sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện.
Tuy nhiên, theo EVN, do hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan dẫn đến phải điều chỉnh phụ tải, tiết giảm điện.
Tại thông cáo phát đi cùng ngày, EVN cảm ơn sự chia sẻ, cảm thông của khách hàng sử dụng điện và thành thật xin lỗi do việc tiết giảm điện trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị khách hàng tiếp tục sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.
Từ tháng 5/2023, miền Bắc nắng nóng kéo dài khiến lượng tiêu thụ điện tăng mạnh trong khi nguồn điện không đủ đáp ứng, nhiều nơi buộc phải tiết giảm điện. Đặc biệt, nắng nóng càng khiến nguồn thủy điện gặp khó khăn do hạn hán, hàng loạt hồ thủy điện chạm hoặc xuống dưới mực nước chết, các tổ máy phải dừng hoặc vận hành cầm chừng.
Trước đó, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thươn), cho biết tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt).
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng 30,9 triệu KWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu KWh).