Mỹ ‘gom hàng sớm’ một mặt hàng: Việt Nam thu về hơn 900 triệu USD, sản lượng chiếm gần một nửa của thế giới

Xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ đạt 158 triệu USD tính đến giữa tháng 6, tăng 8% so với năm ngoái.

Mỹ bất ngờ ‘gom hàng sớm’ một mặt hàng của Việt Nam kể từ đầu năm: Nước ta thu về hơn 150 triệu USD, sản lượng chiếm 42% của thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 6/2025, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã mang về 86 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nửa đầu tháng 6/2025, cá tỷ đô đã mang về 911 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024.

Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra đạt 158 triệu USD tính đến giữa tháng 6, tăng 8% so với năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng chủ yếu nhờ các đơn hàng từ đầu năm, đặc biệt là các hợp đồng giao hàng FOB/CIF ký trước đó, nên chưa phản ánh đúng tình hình thực tế của tháng 6.

Phile cá tra đông lạnh tiếp tục là sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang Mỹ, đạt 131 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 1% và chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu phile cá tra của Việt Nam. Tháng 5 ghi nhận mức xuất khẩu cao nhất từ đầu năm với 38 triệu USD, tăng 27% so với tháng 5/2024.

Đáng chú ý, cá tra chế biến mã HS16 tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 8 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ, chiếm 39% tổng xuất khẩu cá tra chế biến của Việt Nam. Mặc dù kim ngạch còn khiêm tốn, tốc độ tăng đều và mạnh qua các tháng cho thấy tiềm năng lớn ở phân khúc này.

Ngoài ra, cá tra khô và các sản phẩm đông lạnh khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, đạt gần 3 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, khả năng Mỹ áp thuế 20% từ ngày 1/8/2025 đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam hạn chế đơn hàng mới và đẩy nhanh giao hàng. Nhiều doanh nghiệp chuyển sang các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao để nâng giá trị, đồng thời tránh rủi ro bị đội giá sau thuế.

Theo VASEP, thông tin về thuế khiến các nhà nhập khẩu Mỹ tăng cường "gom hàng sớm", đặt đơn trước thời điểm thuế có hiệu lực. Điều này lý giải phần nào vì sao kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn tăng mạnh trong giai đoạn đầu hè, dù triển vọng sắp tới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sản lượng cá tra năm 2024 ước đạt 1,6 triệu tấn, tương đương năm trước. Để ngành hàng cá tra phát triển và tận dụng được cơ hội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương cần phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, với quy mô sản xuất lớn, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ trong quản lý, giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra, đảm bảo chất lượng nguồn giống, sản xuất, chế biến cá tra phải hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải.

Theo Cục Thủy sản, cá tra Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra toàn cầu, còn các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh chiếm từ 15-21%. Sản lượng cá tra Ấn Độ ngày càng tăng song kích cỡ cá rất nhỏ, chủ yếu cung cấp trong nước. Tương tự, Trung Quốc đã nuôi cá tra hơn 7 năm qua, duy trì sản lượng mỗi năm khoảng 1,4 triệu tấn, chủ yếu phục vụ trong nước. Tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là họ sẽ giảm nhập khẩu.

Như Quỳnh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT