Mỹ nhập 10 chiếc ghế thì 4 chiếc do Việt Nam sản xuất, nhưng có khi chi phí vận chuyển ngang giá trị hàng
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng ngành gỗ cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt là vấn đề chi phí vận tải biển cao.
Tại tọa đàm "Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh" và công bố FIATA World Congress 2025 chiều 9/7, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, cứ 10 chiếc ghế mà Mỹ nhập khẩu, có tới 4 chiếc được sản xuất tại Việt Nam.
Mỹ cũng là đối tác chiến lược khi chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Nhưng không dừng ở đó, ngành gỗ Việt Nam còn vươn ra tới 170 thị trường khác trên toàn thế giới, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU. 5 thị trường này đã chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh rằng Việt Nam hiện nay đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, và thứ 2 chỉ sau Trung Quốc về xuất khẩu đồ gỗ có giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng, nhưng ngành gỗ cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt là vấn đề vận tải biển chi phí cao, đôi khi khiến chi phí vận chuyển ngang ngửa với giá trị hàng hóa, đòi hỏi ngành công nghiệp gỗ phải không ngừng đổi mới và tìm kiếm các giải pháp vận tải tối ưu hơn. Chuyển đổi xanh của công nghiệp logistics sẽ là một trong những quyết định thành bại của nghề gỗ.
Ông Lê Duy Hiệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), nhấn mạnh rằng việc phát triển một ngành công nghiệp logistics vững mạnh, có khả năng thích ứng nhanh với các thay đổi là xu hướng và cũng là điều cấp thiết hiện nay.
Xanh hóa ngành logistics không chỉ là một hướng đi mới mà còn là một yêu cầu mà mọi doanh nghiệp cần tuân thủ. Nhiều công ty logistics hàng đầu thế giới đã đi trước một bước bằng cách đặt ra những mục tiêu giảm thiểu khí thải nhà kính và chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch, thậm chí là trước cả thời hạn mà các quốc gia cam kết.
Ông DongKyun Kim, Phó chủ tịch của Samsung SDS, chỉ ra rằng thách thức lớn đối với chuỗi cung ứng hiện nay là làm sao để khách hàng có thể hiểu rõ và nhìn thấy được sự minh bạch trong quá trình hoạt động của nó. Khảo sát của công ty cho thấy, chỉ có số ít khách hàng thực sự hiểu được chuỗi cung ứng hoạt động như thế nào, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro như chậm trễ trong sản xuất và vận chuyển hàng hóa do thiếu thông tin cần thiết.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, đề cập đến việc chuyển đổi sang năng lượng sạch trong ngành logistics như một nhiệm vụ quan trọng, dù đó là một bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp. Ông Hải cũng gợi ý rằng các doanh nghiệp nên tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến để tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất và hiệu quả công việc, qua đó tăng cường khả năng thích ứng trong môi trường kinh doanh đầy biến động.