Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Năm Bảy Bảy hủy chào bán 50 triệu cổ phiếu

Lê Đức Bình

CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy quyết định hủy bỏ phương án chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu do mức giá biến động theo chiều hướng bất lợi, ảnh hưởng đến tính khả thi của phương án chào bán.

nam-bay-bay-huy-chao-ban-50-trieu-co-phieu-antt-1685071159.jpg
Giá cổ phiếu biến động là nguyên nhân Năm Bảy Bảy hủy phương án chào bán cổ phiếu. Ảnh minh họa: Báo Đầu Tư.

Trong khuôn khổ Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 2 vừa diễn ra, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (MCK: NBB, HoSE) đã bất ngờ thông qua kế hoạch hủy bỏ phương án chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu được thông qua ngày 2/11/2022.

Nguyên nhân hủy bỏ chào bán được công ty đưa ra là khi có kế hoạch chào bán, giá cổ phiếu NBB nằm quanh ở mức từ 14.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó tình hình giá cổ phiếu biến động theo chiều hướng bất lợi, thời điểm hiện tại giá cổ phiếu NBB dao động ở mức 12.000 - 13.000 đồng/cổ phiếu. Vấn đề này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính khả thi của phương án chào bán đã được ĐHĐCĐ bất thường lần 1 thông qua ngày 2/11/2022 với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Vì thế Ban Giám đốc chưa thể triển khai được kế hoạch chào bán cổ phiếu như dự kiến.

Trước đó, CTCP Năm Bảy Bảy dự kiến chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, nghĩa là với mỗi 2 cổ phiếu cổ đông sở hữu sẽ được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu.

Ước tính, Năm Bảy Bảy huy động 751,2 tỷ đồng. Trong số tiền huy động, công ty dự kiến dùng 422,4 tỷ đồng đầu tư bổ sung nguồn vốn dự án Khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi và 328,8 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi – Bình Thuận. Thời gian giải ngân dự kiến thực hiện trong năm 2023.

Về tình hình kinh doanh, quý I/2023 ghi nhận doanh thu đạt hơn 14 tỷ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm 88,6% so với cùng kỳ, còn 4,24 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp giảm từ 48,9%, về còn 30,2%.

Doanh thu tài chính tăng 48,4%, lên 41,08 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 24,8%, còn 38,76 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 15,5%, còn 5,76 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng hơn 48% chủ yếu phát sinh từ doanh thu hợp tác đầu tư đã giúp Năm Bảy Bảy thoát lỗ tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ còn 133 triệu đồng, giảm 91% so với thực hiện quý I năm trước.

Năm 2023, Năm Bảy Bảy đặt mục tiêu doanh thu 800 tỷ đồng, tăng 71,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế mục tiêu 20,5 tỷ đồng, tăng 241,7% so với thực hiện trong năm 2022. Kết quả, sau khi quý I kết thúc, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được chưa đến 1% so với mục tiêu lợi nhuận năm.

Đến hết ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Năm Bảy Bảy tăng 5,4% so với đầu năm, lên 6.732 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.889 tỷ đồng, chiếm 28,1%; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.608,8 tỷ đồng, chiếm 23,9%; tồn kho ghi 1.417,7 tỷ đồng, chiếm 21,1%; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 1.378,1 tỷ đồng, chiếm 20,5%.

Về khoản phải thu, có hai khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn khác có giá trị lớn là 500 tỷ đồng và 1.356,96 tỷ đồng, đây là phải thu vốn góp hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM để đầu tư kinh doanh phân chia lợi nhuận Cao ốc 152 Điện Biên Phủ với số tiền 1.150 tỷ đồng; và hợp tác với Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm triển khai hoạt động kinh doanh tại các dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại thời điểm 31/3/2023, giá trị góp vốn của Năm Bảy Bảy vào Khu Bắc Thủ Thiêm là 706,9 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng từ 4.567 tỷ đầu năm lên mức 4.912 tỷ đồng, trong đó khoản phải trả ngắn hạn ở mức 1.031 tỷ đồng, chiếm 21% tỷ trọng; nợ vay tài chính dài hạn lên tới 1.726 tỷ đồng, chiếm tới 35% tỷ trọng. Vốn chủ sở hữu giảm khoảng 32 triệu so với đầu năm, ở mức 1.819,7 tỷ đồng.

Bình Đức (t/h)