Năm "đại thắng" của một tỉnh giáp Trung Quốc: 9 năm liên tiếp tăng trưởng trên hai con số, lập kỷ lục về thu hút FDI

Tỉnh phía Bắc này 9 năm liên tiếp tăng trưởng kinh tế trên hai con số, lập kỷ lục về thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Địa phương cũng dự kiến trở thành tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất Việt Nam.

Năm "đại thắng" của một tỉnh giáp Trung Quốc: 9 năm liên tiếp tăng trưởng trên hai con số, lập kỷ lục về thu hút FDI - Ảnh 1.

Kỳ tích 9 năm liên tiếp tăng trưởng kinh tế trên hai con số

Từ một vùng đất xa xôi cuối trời Đông Bắc hơn 10 năm trước, với 70% cơ cấu ngân sách đến từ than, nay Quảng Ninh đã vươn lên top các địa phương phát triển năng động nhất cả nước. Đột phá hơn cả là sự dịch chuyển kinh tế từ “nâu" sang “xanh" với những cú hích mạnh mẽ về hạ tầng - chính sách.

Riêng năm 2023 được coi là một năm đại thắng của tỉnh này khi hàng loạt các chỉ số kinh tế thuộc top đầu cả nước. Cụ thể, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế GRDP với con số hết sức ấn tượng 11,03%, dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Hồng, xếp thứ 3 trên toàn quốc, lập kỳ tích 9 năm liên tiếp tăng trưởng trên 2 con số (từ năm 2015-2023).

Đây cũng là năm thành công nhất của tỉnh trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 11 tháng qua đạt 3,11 tỷ USD, đứng đầu cả nước; thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 1,9 tỷ USD. Đây là những con số kỷ lục về thu hút vốn đầu tư của tỉnh từ trước tới nay.

Phần lớn các dự án đầu tư mới có tổng vốn lớn trong năm nay đều là từ các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tạo đột phá trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại chủ yếu bằng nguồn lực xã hội hóa dựa trên nguyên tắc “Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.

Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu của cả giai đoạn 2020-2025, đặc biệt là hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của trung ương và nâng chuẩn nghèo gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập. Ước đến cuối năm 2023 toàn tỉnh còn 0,1% hộ nghèo theo tiêu chí mới. GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020; tạo ra hơn 21.000 việc làm tăng thêm.

Đặc biệt, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành phê duyệt Kế hoạch triển khai quy hoạch tỉnh. Những con số thống kê ấn tượng trên đã cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của Quảng Ninh trong những năm qua.

Năm "đại thắng" của một tỉnh giáp Trung Quốc: 9 năm liên tiếp tăng trưởng trên hai con số, lập kỷ lục về thu hút FDI - Ảnh 2.

(Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Đáng chú ý, mới đây, Bộ Xây dựng đã rà soát và đánh giá thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đủ điểm đạt tiêu chí đô thị loại III. Đây là điều kiện cần để thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền thành lập thành phố Đông Triều trực thuộc tỉnh. Vì vậy, nếu được lên thành phố trong thời gian tới, thị xã Đông Triều có thể giúp Quảng Ninh trở thành tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc nhất Việt Nam. Trước đó, hồi tháng 9, UBND huyện Vân Đồn đã phê duyệt Đề cương Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thành phố.

Mục tiêu tăng trưởng GRDP bền vững trên 10% đến năm 2025

Năm 2024, Quảng Ninh đặt ra nhiều mục tiêu mới, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh (GRDP) đạt trên 10%. Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng, riêng thu xuất nhập khẩu đạt trên 13.000 tỷ đồng và thu nội địa phấn đấu đạt số thu cao nhất. GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 73%. Tỉnh đặt mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI. Ngoài ra, toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo.

Năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới vẫn còn nhiều phức tạp, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, Quảng Ninh cho biết địa phương đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức đan xen, thậm chí có phần nhiều hơn, nhất là yếu tố đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP bền vững trên 10% đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 khi quy mô nền kinh tế hết năm 2023 đã ở mức rất cao (trên 310.000 tỷ đồng), chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng ở phía Bắc.

Với mục tiêu này, Quảng Ninh cho biết tỉnh phải đảm bảo ba trụ cột, đó là: Tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới; giữ ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành than, điện. Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Nhật Minh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT