Năm mới “hanh thông” của kinh tế Việt Nam: Xuất khẩu tăng vọt 42%, điện tử phục hồi, dệt may tăng trưởng trở lại

Số lượng đặt hàng trước dòng điện thoại Samsung Galaxy S24 mới ở mức cao cũng phần nào giúp tình hình thêm lạc quan bên cạnh con số tăng trưởng kinh ngạc của xuất khẩu, ở mức 42%, trong tháng 1/2024. Sự lạc quan không chỉ giới hạn trong ngành điện tử mà ghi nhận mức tăng trưởng cao trên diện rộng, bao gồm cả những ngành phải chịu tình cảnh trì trệ trong 2023 như dệt may, đồ gỗ...

Năm mới “hanh thông” của kinh tế Việt Nam: Xuất khẩu tăng vọt 42%, điện tử phục hồi, dệt may tăng trưởng trở lại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tổ quốc.

Xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 của Việt Nam tăng tới 42% so với cùng kỳ năm 2023.

Cần lưu ý rằng số ngày làm việc của tháng 1/2024 nhiều hơn tháng 1/2023 (là tháng có Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng), nên kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước đều tăng mạnh.

Mặc dù vậy, báo cáo mới đây của HSBC đã dùng từ "kinh ngạc" để mô tả sức tăng này. Bên cạnh mức tăng trưởng này, sắp tới, số lượng đặt hàng trước dòng điện thoại Samsung Galaxy S24 mới ở mức cao cũng phần nào giúp tình hình càng thêm lạc quan. 

HSBC cho biết sự lạc quan không chỉ giới hạn trong ngành hàng điện tử khi xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng cao trên diện rộng. Những ngành hàng đã phải hứng chịu tình cảnh trì trệ trong năm 2023 như dệt may, máy móc và đồ gỗ đã bắt đầu tăng trưởng đáng kể trở lại.

Dệt may, vốn trì trệ trong năm ngoái, năm nay đã đạt kim ngạch xuất khẩu 2,9 tỷ USD trong tháng 1/2024, tăng trưởng 28%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. 

"Dẫu vậy, chúng tôi cho rằng vẫn cần cẩn trọng trong giai đoạn phục hồi thương mại sơ khởi này", các chuyên gia của HSBC lưu ý.

Năm mới “hanh thông” của kinh tế Việt Nam: Xuất khẩu tăng vọt 42%, điện tử phục hồi, dệt may tăng trưởng trở lại - Ảnh 2.

PMI tháng 1 cho thấy sự lạc quan một cách thận trọng nhất định. Điều đáng khích lệ là chỉ số PMI chính cuối cùng cũng trở lại mức trên 50, mặc dù không nhiều, lần đầu tiên trong vòng 5 tháng. Đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục gia tăng mạnh nhưng vẫn chưa đủ để kích thích các doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng. 

"Đặc biệt, tình hình giao hàng bị chậm càng khiến áp lực chi phí của nhà sản xuất tăng lên, nhắc chúng ta không quên mối rủi ro do gián đoạn Biển Đỏ vẫn còn kéo dài", HSBC cảnh báo.

Bên cạnh đó, lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát, trong đó lạm phát chính trong tháng 1 giảm nhẹ xuống 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát năm 2024 của chính phủ là 4-4,5%, HSBC cho rằng vẫn cần lưu ý khi Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những biển động trên thị trường hàng hóa thế giới. 

"Nhìn chung, tháng 1 thực sự là một khởi đầu "hanh thông" cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam mặc dù cần thận trọng với những rủi ro liên quan", HSBC nhận định.

Bình An

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT