Nắm nhiều dự án, nhóm Tân Thành Holdings của ông Lê Thành làm ăn thế nào?

Dù sở hữu nhiều dự án trong tay, song nhóm Tân Thành Holdings gây bất ngờ khi một số thành viên chủ chốt đều báo lỗ ròng trong giai đoạn 2019-2021.

Như đề cập ở các bài viết trước, doanh nhân Lê Thành – Viện trưởng Viện Kinh tế xanh, và các cộng sự nắm trong tay một hệ sinh thái các doanh nghiệp với số vốn điều lệ dao động từ vài chục tỷ đến hàng ngàn tỷ đồng.

Đi cùng với đó, Group này cũng sở hữu hoặc đề xuất thực hiện, nghiên cứu dự án tại nhiều tỉnh trong nước.

Tháng 2/2023 vừa qua, CTCP Tân Thành Holdings đã đề xuất với tỉnh Lâm Đồng về ý tưởng quy hoạch dự án khu dân cư Lâm Hà tại huyện Lâm Hà. Theo báo cáo nghiên cứu của công ty, dự án khu dân cư Lâm Hà - Dragon Hill Park có quy mô khoảng 11ha, nằm tại vị trí đắc địa kề bên trung tâm hành chính huyện.

Trước đó, trong giai đoạn 2021-2023, Tân Thành Holdings và các doanh nghiệp liên quan đã gây chú ý khi đề xuất đầu tư, ký kết, hay được chấp thuận đầu tư nhiều dự án.

Hồi tháng 3/2021, nhóm này đề xuất đầu tư 4 dự án ở tỉnh Đắk Lắk.

le-thanh-1678549575.jpeg
Ông Lê Thành tham dự buổi làm việc trên cương vị Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai (Nguồn: daklak.gov.vn)

Đó là CTCP Đầu tư Tân Thành Holdings với dự án chuỗi giá trị dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên - Mô hình điểm tại Đắk Lắk quy mô 1.000ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 3.000 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành đề xuất dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven hồ với tầm nhìn xây dựng, phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng ven hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Knốp…

CTCP Năng Lượng Xanh Tân Thành và dự án điện mặt trời Ea Súp bao gồm 16 nhà máy, tổng công suất lắp đặt lên đến 2.600 MWP, số vốn đầu tư ban đầu lên đến hơn 46.000 tỷ đồng.

Cuối cùng, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành tham gia liên danh cùng Tập đoàn Thuận Việt Holdings, Tổng CTCP Công trình Giao thông 6 (CIENCO 6) đề xuất dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang.

Tháng 6/2022, liên danh kể trên với thêm CTCP Xây dựng Coteccons là nhóm nhà đầu tư duy nhất đệ đơn đầu tư dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I theo phương thức PPP.

Nguồn vốn dự án gồm: Vốn chủ sở hữu của các thành viên trong liên danh 40% (khoảng 5.200 tỷ đồng), nguồn vốn huy động từ ngân hàng 30% (3.000 tỷ đồng); nguồn vốn huy động bằng hình thức trái phiếu dự án từ những đối tác tiềm năng 30% (3.000 tỷ đồng) và cam kết triển khai hoàn thành dự án đúng tiến độ đưa vào khai thác trong năm 2025.

Ngoài ra, đó còn là loạt dự án bất động sản từ Tân Mai Group như: Liên doanh cùng CTCP Đầu tư Địa ốc Mỹ Đình thực hiện dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng, căn hộ chung cư và các chức năng công cộng khác – Mỹ Đình Plaza 2 tại Phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Hợp tác cùng Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh và CTCP Xây dựng Công nghiệp - DESCON vào tháng 2/2015 đầu tư xây dựng khu nhà ở Cogido (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Góp 31% vốn tại CTCP Bất động sản Tân Mai (Tân Mai Real). Hồi năm 2018, Tân Mai Real được chấp thuận là chủ đầu tư dự án Khu Trung tâm thương mại – dịch vụ - dân cư Tân Mai tại phường Thống Nhất, Đồng Nai với diện tích khoảng 10,5ha.

Còn phải kể đến CTCP Đầu tư Tân Thành Long An do ông Lê Thành làm đại diện pháp luật - chủ đầu tư Khu Công nghiệp Việt Phát với diện tích 1.800ha. Hay CTCP CODONA Thế kỷ 21 - chủ dự án Khu dân cư kết hợp du lịch hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai)….

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2019 - 2021 èo uột

Dù nắm nhiều dự án là vậy, song các pháp nhân chủ chốt của nhóm Tân Thành lại cho thấy tình hình tài chính giai đoạn 2019-2021 liên tục thua lỗ.

Trước hết, Tân Thành Holdings báo doanh thu năm 2021 đạt hơn 12 tỷ đồng, trong khi năm 2020 và 2019 không phát sinh doanh thu. Trừ đi các chi phí, Tân Thành Holdings lỗ sau thuế gần 9,6 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lãi 219 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2019 lỗ 5,3 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 31/12/2021 đạt gần 2.750 tỷ đồng, tăng mạnh gấp gần 10,4 lần so với số đầu kỳ. Về phía cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đạt 885,1 tỷ đồng, nợ phải trả đạt 1.864,6 tỷ đồng.

tan-thanh-holdings-1678549696.png
 

Tương tự, Tân Thành Long An cũng lỗ liên tục trong giai đoạn 2019-2021. Cụ thể, công ty này lỗ 18,6 tỷ đồng năm 2021, lỗ 4,2 tỷ đồng năm 2020, và lỗ 2,2 tỷ đồng năm 2019.

Đáng chú ý, Tân Thành Long An sở hữu khối tài sản lên đến gần 17.000 tỷ đồng. Báo cáo cũng cho thấy chiếm chủ yếu cơ cấu nguồn vốn Tân Thành Long An là nợ phải trả 15.045 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 1.900 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Tân Thành Long An đã huy động 5.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng dự án khu công nghiệp và đô thị Việt Phát tại Long An.

Đây là lô trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng tài sản. Lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên là 10%/năm, các kỳ tiếp theo tính bằng cách lấy LSTC + 4,5%/năm. Bên tham gia thu xếp đợt phát hành trái phiếu của Tân Thành Long An là CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn.

Đáng chú ý, Tân Thành Long An hiện nằm trong danh sách chậm trả lãi cho trái chủ. Trước đó, tính đến ngày 31/12/2022, Tân Thành Long An còn nợ thuế tỉnh Long An gần 36 tỷ đồng.

Một pháp nhân đặc biệt khác là Công ty TNHH Đầu tư Sông Hồng Miền Nam. Doanh nghiệp này có số vốn điều lệ lên đến gần 5.210 tỷ đồng – thuộc top cao nhất trong nhóm Tân Thành Holdings. Trong năm 2021, Sông Hồng Miền Nam không phát sinh doanh thu và lỗ hơn 1,9 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT