Nằm ở vị trí "nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ", kinh tế địa phương vừa được rót 54.000 tỷ đồng có tiềm năng phát triển ra sao?

Với vị trí địa lý chiến lược "nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ", cách TP. Hồ Chí Minh 70 km về phía Nam và cách TP. Cần Thơ 100 km về phía Bắc, Tiền Giang trở thành địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh cả về đường thuỷ lẫn đường bộ.

Nằm ở vị trí

Tiền Giang là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích 2.510,61 km2. Vị trí địa lý chiến lược "nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ", cách TP. Hồ Chí Minh 70 km về phía Nam và cách TP. Cần Thơ 100 km về phía Bắc, Tiền Giang trở thành địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh cả về đường thuỷ lẫn đường bộ. Đồng thời giúp Tiền Giang trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển hàng đầu trong khu vực Tây Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về quy mô kinh tế tỉnh, đến năm 2020, GRDP của tỉnh (theo giá hiện hành) đạt 99.544 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần quy mô kinh tế của tỉnh năm 2010. So với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, quy mô GRDP của Tiền Giang năm 2020 lớn thứ 4/13 tỉnh ĐBSCL (đứng sau Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long), chiếm 6,02% GRDP vùng ĐBSCL và khoảng 0,81% GDP cả nước).

Về tăng trưởng kinh tế, trong giai đoạn 2011-2020, GRDP của tỉnh tăng bình quân 6,55%/năm, cao hơn so với hầu hết các tỉnh trong vùng. Trong đó, giai đoạn 2011-2015, nhịp tăng trưởng GRDP đạt bình quân 7,42%/năm; những năm đầu trong giai đoạn 2016-2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, GRDP của tỉnh duy trì ở mức tăng trên 7% và chỉ thực sự sụt giảm nhịp tăng trong hai năm 2019, 2020, kéo nhịp tăng trưởng toàn giai đoạn xuống mức 5,69%/năm.

Đến năm 2023, theo Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang, GRDP ước đạt 66.316 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010) tăng 5,72% so với năm 2022. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,14%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,57% và khu vực dịch vụ tăng 6,64% (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,96% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,99% so cùng kỳ.

So với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, Tiền Giang là một trong 4 nền kinh tế có quy mô, tốc độ tăng trưởng cao, mật độ kinh tế (xét theo GRDP/km2) của tỉnh là khá lớn, đứng thứ 2 toàn vùng (sau Cần Thơ), thu NSNN /người cao thứ 7 toàn vùng.

Nằm ở vị trí

Nguồn: Cục Thống kê địa phương

Một dải, ba tâm, bốn hành lang kinh tế, ba khâu đột phá phát triển

Theo quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang đặt mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.

Đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy.

Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7-8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 142 - 155 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 645.000 - 685.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Quy hoạch đã xác định rõ động lực mới, quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Tiền Giang thời gian tới. Trong đó, các định hướng, ưu tiên phát triển là: Một dải, ba tâm, bốn hành lang kinh tế, ba khâu đột phá phát triển.

Một dải ven sông Tiền; ba tâm gồm thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và Chợ Gạo; bốn hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hành lang kinh tế dọc theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 50B, hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và Quốc lộ 50, hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng ĐBSCL; ba khâu đột phá phát triển: Hạ tầng, cải cách hành chính - cải thiện môi trường đầu tư và nguồn nhân lực.

Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, quy hoạch tỉnh đã mở ra một đường hướng, không gian phát triển mới cho Tiền Giang trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố của cả nước.

Thủ tướng chỉ rõ "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" trong thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang.

Nhiệm vụ trọng tâm, trung tâm là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Hai tăng cường là tăng cường phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế qua hệ thống giao thông, sản xuất và cung ứng theo chuỗi.

Ba đẩy mạnh là đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ chế biến nông sản, các ngành phục vụ nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024 mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án, với tổng số vốn gần 17.000 tỷ đồng và trao quyết định chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án khác với tổng số vốn khoảng 37.000 tỷ đồng.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT