Nâng hạn visa điện tử lên 90 ngày, doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng tăng trưởng đột phá

Các doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng chính sách visa mới được thông qua sẽ tạo "cú hích" thực sự cho du lịch Việt Nam, nhất là từ khách châu Âu cao cấp.

Kỳ vọng cải thiện sức cạnh tranh du lịch

Trao đổi với Người Đưa Tin về việc Quốc hội thông qua quy định thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày, đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành bày tỏ vui mừng và lên kế hoạch thiết kế lại sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Vietluxtour cho biết, đây là điều các doanh nghiệp lữ hành chuyên mảng inbound (đón khách quốc tế) đã chờ đợi suốt nhiều năm qua.

“Việc nâng thời gian lưu trú lên 90 ngày, cho phép ra vào nhiều lần không cần xin lại thị thực là hợp lý. Thực tế, đa số du khách quốc tế đi khoảng 30-45 ngày nhưng chính sách visa mới cho phép 90 ngày sẽ khiến họ thấy thoải mái hơn”, ông Dũng nhìn nhận.

Theo ông Dũng, du khách từ Châu Âu có xu hướng du lịch cả ba nước Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia) trong một chuyến. Tuy nhiên, họ không đi theo lộ trình cố định mà có thể từ Việt Nam sang Lào, Campuchia chơi rồi quay lại Việt Nam. Lý do tùy thuộc vào lịch trình của mỗi người và Việt Nam cũng có nhiều đường bay kết nối tới quê nhà của họ hơn.

"Các công ty lữ hành làm tour liên tuyến ba nước trước giờ hơi khổ vì phải xin đi, xin lại visa cho khách. Với chính sách mới, mọi thứ dễ dàng hơn", ông Dũng nói.

null
Các doanh nghiệp lữ hành vui mừng với quy định mới về visa du lịch.

 

Ông Ngô Thạch Lâm, Giám đốc Amo Travel đánh giá, khách du lịch quốc tế có xu hướng kết hợp đi nhiều nước. Chẳng hạn, họ đến Thái Lan, Singapore rồi qua Việt Nam nhưng nếu chính sách nhập cảnh không thuận lợi, họ sẽ chọn một quốc gia khác trong khu vực thay cho Việt Nam.

 

Hay ông Phan Đình Thảo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH HTS International nêu quan điểm, thực tế tình hình sau dịch, vấn đề kinh tế, chi phí tour là một mối quan tâm lớn đối với khách du lịch. Khi làm việc với các đối tác, họ sẽ có sự lựa chọn, so sánh chi phí tour khi đến các nước và xem xét khả năng hầu bao của mình như thế nào để tiết kiệm chi phí nhất có thể.

Rõ ràng khi có sự cân nhắc như vậy thì chi phí đến Việt Nam sẽ cao hơn khi so sánh với một số nơi như Indonesia, Thái Lan.... Trong đó chính sách visa đóng một phần lớn, đẩy giá thành tour lên cao, chênh lệch hơn nhiều so với các nước khác.

Cần chính sách thông thoáng, cởi mở hơn

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM nhận định, trước đây, một số du khách Mỹ đi theo đoàn, khi đến Việt Nam, họ muốn ở lại lâu hơn để trải nghiệm thêm nhưng thời hạn visa quá ngắn, chỉ có 15 ngày. Đa số các nước trong khu vực Đông Nam Á có thời hạn thị thực 30 ngày và có thể gia hạn, trong khi Việt Nam chỉ cấp thị thực trong 15 ngày nên doanh nghiệp khó tổ chức những đoàn quy mô lớn.

Trong khi đó, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) đánh giá: “Thị thực nhập cảnh là một trong những chính sách của Chính phủ có tác động lớn nhất đến lưu lượng du lịch quốc tế. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và lưu lượng khách du lịch quốc tế, nhiều quốc gia đang từng bước mở rộng diện miễn thị thực để có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường”

PGS.TS Phạm Hồng Long, chuyên gia du lịch nhận xét, để thu hút khách quốc tế có rất nhiều yếu tố nhưng chính sách visa là một phần quan trọng tạo nên sức hút điểm đến. Bên cạnh chính sách visa, Việt Nam cũng cần quan tâm đến nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng các đường bay thẳng để tạo thuận lợi trong việc đón khách quốc tế, xúc tiến du lịch hiệu quả đến những thị trường mục tiêu.

Thêm nữa, các chính sách cần hỗ trợ để doanh nghiệp tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới trên sông, biển và liên kết các vùng với nhau. Công tác quản lý điểm đến cần được nâng cao để giúp phát triển du lịch bền vững, phù hợp với xu thế hiện đại.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc tế, Công ty Bến Thành Tourist chỉ ra, khi chính sách visa được cải thiện, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trở lại mức như trước năm 2019 (20 triệu lượt/năm, tổng doanh thu gần 700.000 tỷ đồng) thì hoạt động du lịch sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, tăng thu nhập đáng kể cho các hộ kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ.

Ông Võ Việt Hòa, Giám đốc Inbound Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist nhận định: “chúng ta đang tiếp cận khách cao cấp, khách đi lẻ do xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến, đóng góp rất lớn cho doanh thu của ngành du lịch. Sự linh hoạt trong việc cấp visa đang thay đổi theo hướng đáp ứng nhanh yêu cầu của khách ngoại quốc”.

Do đó, ông Hòa đề xuất bố trí nhân lực, quan tâm hơn nữa để đáp ứng yêu cầu cấp nhanh, trong ngày của du khách. Đồng thời, cần có thêm các dịch vụ lấy visa nhanh trong ngày và quy định cụ thể thêm về điều kiện để khách có thể tự xin trong trường hợp khẩn cấp.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT