Năng lượng Hồng Phong 2 lãi hơn 516 tỷ đồng sau 4 năm

Giai đoạn 2019-2022, CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 kinh doanh khởi sắc từ việc đưa nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1b vào hoạt động. Sau 4 năm, công ty con của WTO đạt lợi nhuận hơn 516 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố loạt văn bản thông tin định kỳ về tình hình tài chính của CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 (Bình Thuận) trong 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022. Trong đó riêng năm 2021, HNX chỉ công bố báo cáo tài chính bán niên.

Năng lượng Hồng Phong 2: Lợi nhuận giảm nhưng tổng thể có nhiều khởi sắc
Biến động lợi nhuận sau thuế của CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 (đơn vị: Tỷ đồng).

Theo đó trong giai đoạn từ 2019-2022, lợi nhuận sau thuế của Năng Lượng Hồng Phong 2 nhìn chung có xu hướng tăng. Cụ thể trong năm 2019 công ty có lợi nhuận sau thuế thấp nhất ở mức 69,9 tỷ đồng do đang trong thời điểm phòng chống dịch bệnh, hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Tuy nhiên sang các năm tiếp theo sau khi tình hình dịch Covid-19 đã dần ổn định, Năng lượng Hồng Phong 2 ghi nhận mức tăng tới 89% lên 132,8 tỷ đồng trong năm 2020; tỷ số ROE tăng gấp đôi so với cùng kỳ từ 0,07 lên 0,14. Tiếp tục đà tăng đó, năm 2021 ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất, đạt 168 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 0,17. 

Sang năm 2022, lợi nhuận sau thuế lại quay đầu giảm 22,5 tỷ so với năm trước, ở mức 145,5 tỷ đồng. Tỷ suất ROE giảm xuống mức 0,15.

Tương tự, vốn chủ sở hữu cũng có xu hướng đi lên khi trong 4 năm từ 2019 - 2022, năm 2022 ghi nhận mức vốn chủ sở hữu cao nhất ở mức 984,2 tỷ đồng, tăng khoảng 1% so với hoạt động cùng kỳ (2021 đạt 973,7 tỷ đồng). Nợ phải trả năm 2022 của Hồng Phong 2 ở mức 1.653 tỷ đồng, giảm bớt được 90 tỷ so với số nợ 1.743 tỷ đồng năm 2021. 

Năng lượng Hồng Phong 2: Lợi nhuận giảm nhưng tổng thể có nhiều khởi sắc
Biến động vốn chủ sở hữu của CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 (đơn vị: Tỷ đồng).

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, vốn chủ sở hữu năm 2020 giảm gần 30 tỷ so với năm 2019, xuống mức 944,5 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ phải trả năm 2020 ở mức 2.096 tỷ đồng, trong khi năm 2019 nợ phải trả lên tới 2.250 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy khoản nợ Năng lượng Hồng Phong 2 phải gánh chịu có xu hướng giảm dần.

Đồng thời, dư nợ trái phiếu cũng đã giảm theo từng năm, năm 2020 chứng kiến mức dư nợ trái phiếu lên tới 1.334 tỷ đồng; sang năm 2021 con số đó được giảm bớt 35,8% xuống mức 982 tỷ đồng. Gần đây nhất, năm 2022 công ty ghi nhận mức dư nợ trái phiếu còn khoảng 757 tỷ đồng, giảm 225 tỷ, tương đương giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 là công ty con của Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (WTO, trước đây là Vietracimex); WTO nắm giữ 96% cổ phần công ty này. Khi thành lập, Hồng Phong 2 có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, bao gồm 3 cổ đông sáng lập là Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (nắm giữ 96% cổ phần), CTCP Điện Vietracimex Lào Cai (nắm giữ 2% cổ phần) và CTCP BOT Vietracimex 8 (nắm giữ 2% cổ phần).

Mới đây, HNX đã công bố thông tin bất thường của CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 về việc thay đổi lãi suất Trái phiếu cho các mã Trái phiếu: HP2_BOND_2020_01, HP2_BOND_2020_01, HP2_BOND_2020_02 , HP2_BOND_2020_03 , HP2_BOND_2020_04, HP2_BOND_2020_05, HP2_BOND_2020_06.

Theo đó, sau khi Hội nghị người sở hữu Trái phiếu của các trái phiếu trên diễn ra vào 10/5/2023, tổ chức phát hàng và đại diện Người sở hữu trái phiếu đã thông qua quyết định giảm biên độ lãi suất 1,65% cho các mã Trái phiếu trên. 

Năng lượng Hồng Phong 2: Lợi nhuận giảm nhưng tổng thể có nhiều khởi sắc
Dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1b. Ảnh minh hoạ: Báo Đầu Tư.

Toàn bộ 6 lô trái phiếu trên được công ty phát hành với tổng giá trị là 1.600 tỷ đồng. Trong đó có 1 lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng và 5 lô trái phiếu trị giá 280 tỷ đồng. Những lô trái phiếu này có tài sản đảm bảo là quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai của một số lô đất thấp tầng của dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch tại xã Kim Chung và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội.

Đồng thời, công ty này cũng sử dụng quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B và toàn bộ cổ phần của các cổ đông sở hữu tại Hồng Phong 2 để đảm bảo cho các lô trái phiếu trên. Hồi năm 2020, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 thuê 1,2 triệu m2 đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B. Thời hạn sử dụng đất kể từ ngày ký Quyết định đến hết ngày 12/4/2068 với hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT