Nền kinh tế số 1 thế giới lao đao: hết trứng lại đến thịt bò đắt kỷ lục, nông dân bỏ trại vì lỗ, nhu cầu khủng bất chấp giá tăng

Giá thịt bò tăng vọt chủ yếu do số lượng đàn gia súc của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 74 năm.

Nền kinh tế số 1 thế giới lao đao: hết trứng lại đến thịt bò đắt kỷ lục, nông dân bỏ trại vì lỗ, nhu cầu khủng bất chấp giá tăng - Ảnh 1.

Sau khi giá trứng tại Mỹ từng tăng vọt vì dịch cúm gia cầm, người tiêu dùng Mỹ hiện lại phải đối mặt với một đợt tăng giá mới - lần này là thịt bò. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, giá bán lẻ thịt bò hiện đã lên tới 9,26 USD/pound, tăng gần 9% kể từ tháng 1. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 cũng cho thấy, giá bò bít tết tăng 12,4%, còn bò xay tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, việc kéo giảm giá thịt bò sẽ khó khăn hơn nhiều so với trứng.

“Ngành thịt bò phức tạp hơn nhiều,” Michael Swanson, chuyên gia kinh tế nông nghiệp trưởng tại Wells Fargo, nhận định. “Nếu thị trường trứng mang tính công nghiệp và có thể điều tiết cung cầu chặt chẽ, thì ngành chăn nuôi gia súc vẫn mang tính phân mảnh, giống như ‘miền Tây hoang dã’.”

Giá thịt bò tăng vọt chủ yếu do số lượng đàn gia súc của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 74 năm, theo Liên đoàn Cục Nông trại Hoa Kỳ (AFBF). Nhiều chủ trang trại đã bỏ cuộc vì lợi nhuận không còn hấp dẫn, trong khi chi phí chăn nuôi tăng mạnh, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi.

AFBF cho biết, hạn hán kéo dài đã làm khô cỏ tự nhiên tại nhiều vùng chăn thả, buộc người nuôi phải sử dụng thức ăn công nghiệp đắt tiền hơn. Điều này khiến chi phí đầu vào tăng cao, ăn mòn lợi nhuận, ngay cả khi giá bán ra ở mức kỷ lục.

Ông Donnie King, CEO của Tyson Foods, cảnh báo trong một cuộc họp với nhà đầu tư rằng thị trường thịt bò hiện đang “đối mặt với điều kiện khó khăn nhất từng thấy”.

Trong khi sản xuất nội địa gặp khó, thịt bò nhập khẩu đang ngày càng đóng vai trò lớn hơn. Theo ông Swanson, khoảng 8% lượng thịt bò tiêu thụ tại Mỹ hiện đến từ các nước như Argentina, Úc và Brazil. Cùng lúc, xuất khẩu thịt bò của Mỹ giảm 22% trong tháng 5 so với năm trước, do giá cao khiến sức cạnh tranh suy yếu.

“Chúng tôi từng cân bằng giữa xuất và nhập, nhưng năm nay cán cân đã lệch,” Swanson nói. “Thế giới sẵn sàng bán cho Mỹ vì chúng ta có mức giá thịt bò cao nhất.”

Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ vẫn duy trì thói quen ăn thịt bò, bất chấp giá tăng. Điều này khiến nhu cầu vẫn ở mức cao và góp phần giữ giá không giảm.

Nền kinh tế số 1 thế giới lao đao: hết trứng lại đến thịt bò đắt kỷ lục, nông dân bỏ trại vì lỗ, nhu cầu khủng bất chấp giá tăng - Ảnh 2.

Giá thịt bò Mỹ tăng mạnh trong năm 2025 (Nguồn: FT).

Trước sức ép chi phí, một số nhà bán lẻ lớn đang chủ động thay đổi. Walmart mới đây đã mở cơ sở chế biến thịt bò đầu tiên do chính mình sở hữu, đặt tại Olathe, Kansas. Động thái này nhằm cắt giảm trung gian, kiểm soát chuỗi cung ứng và mang lại mức giá tốt hơn cho khách hàng.

“Việc sở hữu toàn bộ quy trình cho phép chúng tôi đảm bảo tính nhất quán, minh bạch và giá trị,” ông John Laney, Phó chủ tịch điều hành mảng thực phẩm tại Walmart, cho biết trong thông cáo báo chí.

Theo chuyên gia Bernt Nelson của AFBF, giá thịt bò trong thời gian tới sẽ phụ thuộc lớn vào mức độ chi tiêu của người dân. “Nếu thu nhập hộ gia đình giảm và niềm tin người tiêu dùng đi xuống, nhu cầu thịt bò có thể chững lại, từ đó tạo áp lực giảm giá,” ông viết.

Tuy nhiên, viễn cảnh này cũng có thể khiến nông dân và chủ trang trại thiệt hại nặng. “Không ai muốn ôm hàng khi giá bắt đầu lao dốc. Nhưng với chu kỳ hiện tại, chúng tôi đang tiến gần đến đỉnh,” Swanson cảnh báo.

Khánh Vy

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT