Nga, Ukraine đua nhau gửi đến Việt Nam hàng trăm nghìn tấn 'báu vật' nông sản: Thuế nhập khẩu 0%, nước ta lọt top 10 tiêu thụ nhiều nhất thế giới
Nhập khẩu mặt hàng này từ Nga đã tăng gần gấp 3 lần với giá cực kỳ cạnh tranh.

Ảnh minh họa
Theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, nhập khẩu lúa mì về Việt Nam trong tháng 6/2025 đạt hơn 321 nghìn tấn, tương đương 88,3 triệu USD, giảm 4,5% về lượng và giảm 3% kim ngạch so với tháng 5.
Giá trung bình 274 USD/tấn, tăng 1,6% về giá so với tháng trước đó.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu lúa mì các loại đạt trên 3,06 triệu tấn, trị giá gần 817,27 triệu USD, giảm 1,9% về lượng, giảm 5,2% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình 266 USD/tấn, giảm 3,4% về giá so với 6 tháng đầu năm 2024.
Xét về thị trường, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp lúa mì cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025, chiếm 32% trong tổng lượng và chiếm 31% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt 989.002 tấn, tương đương gần 254,41 triệu USD.
Thị trường lớn thứ 2 là Australia, 6 tháng đầu năm 2025 đạt 749.978 tấn, tương đương 203,33 triệu USD, giá 271 USD/tấn, chiếm 24% trong tổng lượng và chiếm 25% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.
Tiếp đến thị trường Mỹ 6 tháng đầu năm 2025 đạt 380.519 tấn, tương đương 104,96 triệu USD, chiếm 12% trong tổng lượng và chiếm 12% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước.

Ngoài 3 thị trường chủ đạo trên, 2 'ông trùm' lúa mì của thế giới của thế giới cũng đang tăng mạnh đưa mặt hàng này vào Việt Nam là Ukraine và Nga. Trong 6 tháng đầu năm, Ukraine đã xuất khẩu sang Việt Nam hơn 187 nghìn tấn lúa mì, trị giá hơn 48 triệu USD, giảm 65% về lượng và kim ngạch so với nửa đầu năm 2024 và đứng thứ 6 trong số các nhà cung cấp. Giá bình quân 259 USD/tấn, tương đương cùng kỳ năm trước.
Đối với Nga, nước ta đã nhập khẩu từ Nga hơn 161 nghìn tấn lúa mì, trị giá hơn 40 triệu USD, tăng mạnh 196% về lượng và tăng 192% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá bình quân 252 USD/tấn, giảm 2%.
Đối với mặt hàng lúa mì, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Nghị định này điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng và có hiệu lực từ ngày 30/12/2021.
Theo đó, Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%.
Lúa mì là một trong những nguồn lương thực thiết yếu, được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, lúa mì là loại hạt chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp. Sản phẩm này không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng ở trong nước mà còn để xuất khẩu ngày càng tăng. Do Việt Nam gần như không trồng được lúa mì nên nguồn cung bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Việt Nam hiện đang là một trong 10 nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Như Quỳnh