Ngân hàng cho vay bất động sản: Top1 'quen mặt', VietBank gây bất ngờ

Mặc dù bất động sản là lĩnh vực bị đánh giá rủi ro cao, không ít ngân hàng vẫn định hướng cho vay với dư nợ tín dụng áp đảo nhiều ngành khác.

Dư nợ tín dụng BĐS vẫn tăng

Tại Hội nghị tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hồi đầu tháng 2/2023, cho biết dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021.

ngan-hang-cho-vay-bat-dong-san-top1-quen-mat-vietbank-gay-bat-ngo-antt-1-1680595964.PNG
Dư nợ tín dụng BĐS đến cuối năm 2022 tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021. Ảnh minh họa

Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế cao nhất trong 5 năm qua.

Trong đó, dư nợ kinh doanh BĐS tăng 11,5% chiếm tỷ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1% chiếm tỷ trọng 68,72%; dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở nhà hội 0,71%, khác là 13,77%.

Chiếm tỷ trọng 31,28% tổng dư nợ tín dụng BĐS, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đến cuối năm 2022 ở mức hơn 800.000 tỷ đồng, bao gồm: dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS); Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê ở mức 41.815 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 5,3%); dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất ở mức 40.149 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 5,1%); Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh BĐS khác đạt 211.452 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS).

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2022, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS gặp nhiều thách thức, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như: tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy, dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án;...

Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.

Ngân hàng đang cho vay bất động sản thế nào?

Mặc dù doanh nghiệp BĐS gặp khó nhưng từ số liệu của NHNN cho thấy, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS vẫn theo chiều hướng tăng (khoảng 14%) khi mà con số này tại thời điểm cuối năm 2021 ở mức khoảng 700.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của các nhà băng, đến cuối năm 2022, không ngân hàng nào có dư nợ cho vay kinh doanh BĐS vượt quá 30% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Hiện, Techcombank là ngân hàng có dư nợ cho vay kinh doanh BĐS lớn nhất tính đến cuối năm 2022. Báo cáo tài chính quý IV/2022 của ngân hàng này cho thấy, cho vay đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh BĐS trong năm 2022 là gần 109.000 tỷ đồng, chiếm tới 56% tổng dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế thuộc mọi ngành nghề của ngân hàng này.

Về cho vay đối với cá nhân, trong năm 2022, Techcombank cho khách hàng cá nhân vay mua nhà với tổng dư nợ 190.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với năm 2021.

Tổng dư nợ cho vay BĐS tại Techcombank bao gồm cả cho vay doanh nghiệp BĐS và cho vay mua nhà cá nhân là gần 300.000 tỷ.

ngan-hang-cho-vay-bat-dong-san-top1-quen-mat-vietbank-gay-bat-ngo-antt-2-1680596056.PNG
Không ngân hàng nào có dư nợ cho vay kinh doanh BĐS vượt quá 30% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Ảnh minh họa

Đứng vị trí thứ 2 là VPBank với hơn 67.593 tỷ đồng dùng cho hoạt động kinh doanh BĐS, chiếm 15,42% tổng dư nợ cho vay; tăng mạnh so với con số 42.567 tỷ đồng trong năm 2021. Đối với cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở, hiện VPBank đang cho vay hơn 82.922 tỷ đồng.

Tại BIDV, tính đến hết năm 2022, tổng dư nợ cho vay BĐS là 275.000 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng dư nợ tín dụng; tăng 46.000 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ tăng 20%) so với năm trước. Mặc dù dư nợ cho vay BĐS chiếm tỷ trọng khá lớn trong danh mục nhưng theo ông Lê Ngọc Lâm- Tổng Giám đốc BIDV chia sẻ tại Hội nghị Tín dụng BĐS do NHNN tổ chức ngày 8/2, nhà băng này tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân (217.000 tỷ đồng, chiếm 79% dư nợ cho vay BĐS). BIDV vẫn cho vay đối với BĐS và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ này.

Dư nợ cho vay đối với hoạt động kinh doanh BĐS tại SHB trong năm 2022 là gần 31.493 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 8,17% so với tổng dư nợ. Trong năm 2021, con số này là 24.469 tỷ đồng (tương đương 6,75% tổng dư nợ).

Mặc dù vốn hóa không lớn so với các ngân hàng khác nhưng VietBank là nhà băng nằm trong top những đơn vị có dư nợ cho vay kinh doanh BĐS lớn.

Theo BCTC hợp nhất năm 2022 đã qua kiểm toán, VietBank đang cho vay kinh doanh BĐS chiếm tới 13.105 tỷ đồng trên tổng số 63.633 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng theo ngành nghề, tương ứng gần 20,6%.

Một số nhà băng khác cũng có dư nợ cho vay BĐS ở mức hơn 10.000 tỷ đồng là MB (21.358 tỷ đồng); MSB (10.387 tỷ đồng); TPBank (10.165 tỷ đồng); …

Xét về tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản, Saigonbank đứng ở vị trí đầu tiên với tỷ lệ lên tới 80%, chiếm tỷ trọng 5,67% trong tổng cho vay khách hàng của nhà băng này. Tiếp đó MB, VPBank với tốc độ tăng lần lượt 69%, 59%.

Ở chiều ngược lại, MSB và KienlongBank có dư nợ cho vay kinh doanh BĐS giảm trong năm 2022, với mức giảm 13 - 14%. Tỷ trọng dư nợ cho vay kinh doanh BĐS/tổng dư nợ cho vay khách hàng của MSB giảm từ 11,95% xuống 8,6% và tại KienlongBank giảm từ 8,76% xuống còn 6,55%.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT