Ngân hàng được giảm 1 nửa hệ số rủi ro tín dụng với những khoản vay nhà ở xã hội
Trong dự thảo thông tư sửa đổi mới công bố, NHNN đã có những đề xuất bổ sung các quy định hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội, trong đó có việc giảm hệ số rủi ro tín dụng đối với những khoản vay về bất động sản và nhà ở.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Dự thảo lần này bổ sung thêm các quy định để khuyến khích cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. Trong đó có quy định về việc giảm hệ số rủi ro tín dụng đối với một số khoản vay liên quan nhà ở, bất động sản.
Cụ thể, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng với các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội sẽ dao động trong khoảng từ 12% đến 50%, thay vì mức 25% đến 100% như hiện nay. Hệ số rủi ro áp dụng cho khoản cho vay thế chấp nhà ở tùy theo tỷ lệ bảo đảm và tỷ lệ thu nhập. Được biết, việc giảm hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay nêu trên nhằm khuyến khích cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.
NHNN cho rằng, việc này rất phù hợp với quy định tại Thông tư 22/2019 của NHNN và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo quy định tại Thông tư 22/2019, hệ số rủi ro là 50% được áp dụng đối với khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và khi đáp ứng một trong các điều kiện sau: Là khoản cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của NHNN quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.
Các khoản cho vay khác không phải là mua nhà ở xã hội theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ thì tỷ lệ rủi ro tín dụng được giữ nguyên ở mức 25% đến 100%. NHNN giải thích rằng đây là những khoản cho vay cá nhân với số tiền dưới 1,5 tỷ đồng để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. Với mỗi khách hàng sẽ chỉ được áp dụng hệ số rủi ro này cho 1 khoản vay.
Đồng thời, NHNN cũng đề xuất trong dự thảo việc bổ sung thêm quy định về hệ số rủi ro đối với khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp. Trong trường hợp này, hệ số rủi ro tín dụng 200% được áp dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản. Còn đối với trường hợp đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, hệ số rủi ro tín dụng là 160%, nghĩa là tín dụng bất động sản khu công nghiệp được giảm 20% hệ số rủi ro.
Được biết, hệ số rủi ro có mối quan hệ tương quan lớn tới hệ số an toàn vốn của các ngân hàng; các khoản cho vay có hệ số rủi ro cao đòi hỏi các ngân hàng phải có lượng vốn tự có để ứng phó cao mới đảm bảo hệ số an toàn vốn. Giảm trọng số rủi ro tín dụng với phân khúc nhà ở xã hội và bất động sản khu công nghiệp sẽ phần nào giúp ngân hàng hạ chi phí vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp. Nếu dự thảo này chính thức được ban hành sẽ đóng góp không nhỏ trong việc khôi phục thị trường bất động sản.