Ngân hàng giải thích nguyên nhân lừa đảo có thể rút sạch tiền trong tài khoản nạn nhân qua vài cuộc điện thoại

Qua các cuộc điện thoại giả danh, kẻ lừa đảo có thể chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thậm chí cả tài khoản chứng khoán của nạn nhân.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã phát đi cảnh báo đến khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo phổ biến diễn ra trong tháng 7. Theo đó, chỉ qua những cuộc điện thoại cùng kịch bản bài bản, tinh vi, các đối tượng lừa đảo có thể dẫn dụ nạn nhân cung cấp các thông tin bảo mật, hoặc tải xuống mã độc, từ đó truy cập và rút tiền từ tài khoản ngân hàng, ví điện thử, tài khoản chứng khoán,...

Các thủ đoạn, kịch bản lừa đảo bao gồm:

Lợi dụng việc sắp xếp đơn vị hành chính, giả mạo cơ quan chức năng để thông báo cập nhật thông tin cư trú

Các đối tượng giả mạo cán bộ Công an hoặc lực lượng chức năng tại địa phương, gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân với lý do "hướng dẫn cập nhật thông tin cư trú do thay đổi địa chỉ hành chính", sau đó, gửi đường link giả mạo hoặc hướng dẫn cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Khi người dân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử theo hướng dẫn, thiết bị di động có thể bị cài mã độc và chiếm quyền kiểm soát. Từ đây, chúng đánh cắp dữ liệu cá nhân, mã OTP hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thậm chí cả tài khoản chứng khoán của người bị hại.

Giả danh nhân viên ngân hàng, thông báo hỗ trợ xử lý phí thường niên/phát sinh phí bất thường trên thẻ tín dụng

Đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng, thông báo về các khoản phí thường niên hoặc phát sinh bất thường trên thẻ tín dụng, kèm cảnh báo thẻ sẽ bị tạm khóa trong 24 giờ nếu không xử lý ngay.

Lợi dụng tâm lý hoang mang, chúng gửi các đường link giả mạo có giao diện giống website ngân hàng, yêu cầu khách hàng đăng nhập thông tin cá nhân và thông tin thẻ để xử lý. Ngay sau khi nạn nhân cung cấp thông tin, các đối tượng sẽ nhanh chóng chiếm đoạt tiền trong tài khoản hoặc thực hiện giao dịch trái phép.

Gọi điện thông báo xác thực ví điện tử

Kể từ ngày 1/7/2025, ví điện tử chính thức được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp như tài khoản ngân hàng và tiền mặt. 

Lợi dụng điều này, các chiêu thức lừa đảo trên nền tảng ví điện tử ngày càng tinh vi. Nổi bật là việc giả mạo nhân viên các ví điện tử như MoMo, ZaloPay, VNPay… để yêu cầu "xác thực thông tin", từ đó dụ khách hàng cung cấp tài khoản và mã OTP. 

Bên cạnh đó, chúng còn tạo ra các thông báo trúng thưởng giả, yêu cầu người dùng nhấn vào link, quét mã QR hoặc chuyển khoản để nhận quà. Một số đối tượng còn giả danh công an hoặc nhân viên kỹ thuật, cảnh báo "ví bị xâm nhập" và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật nhằm chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản.

Trước tình hình này, Ngân hàng MB khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán hoặc mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn hay mạng xã hội khi chưa xác minh rõ danh tính.

Đồng thời, không truy cập hoặc đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website lạ, không cài đặt ứng dụng hay mở tệp đính kèm từ người gửi không rõ nguồn gốc. Khách hàng cũng không nên đăng ký tài khoản hoặc định danh ví điện tử hộ người khác.

Nếu nhận được các cuộc gọi hay tin nhắn đáng ngờ, khách hàng nên chủ động liên hệ tổng đài chính thức của ngân hàng hoặc đến trực tiếp chi nhánh gần nhất để xác minh, nhằm bảo vệ an toàn tài sản và thông tin cá nhân.

Linh San

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT