Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ngân hàng nào có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong nửa đầu năm?

Hà Thị Lưu Luyến

Trong nửa đầu năm 2023, một nửa số ngân hàng trong hệ thống ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Một ngân hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với hơn 60% so với cùng kỳ.

Tính tới ngày 1/8, có 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II với tổng lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 124.128 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, có tới 13 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Với một nửa số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương trong nửa đầu năm nay, Sacombank dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng tới 63,5%, lợi nhuận trước thuế đạt 4.755 tỷ đồng.

Thứ hai là OCB với lũy kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của OCB tăng gấp đôi lên 884 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023.

BIDV kỳ này vươn từ vị trí thứ 6 lên xếp thứ hai về tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Theo sau là PG Bank với lãi trước thuế 6 tháng đầu năm hơn 303 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

ngan-hang-nao-co-toc-do-tang-truong-loi-nhuan-manh-nhat-trong-nua-dau-nam-1691813241.jpg
Ảnh minh họa

Vietcombank dù vẫn là quán quân về lợi nhuận với lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 20.499 tỷ đồng, nhưng xếp sau nhiều ngân hàng khác về tốc độ tăng trưởng là 18% so với cùng kỳ. Mức lãi của Vietcombank tiếp tục bỏ xa các ngân hàng còn lại và gấp 1,5 lần so với ngân hàng đứng thứ 2 là BIDV.

MBBank đứng thứ ba toàn hệ thống về tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt hơn 12.700 tỷ đồng, nhưng con số này chỉ tăng 7% so với cùng kỳ.

VietinBank đứng thứ 4 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 12.500 tỷ đồng, nhưng tốc độ tăng nhỉnh hơn là 8% so với cùng kỳ.

ACB đứng thứ 6 toàn hệ thống về tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 10.000 tỷ đồng, nhưng tốc độ tăng mạnh hơn các ngân hàng top trên với mức tăng 11% so với cùng kỳ.

Các ngân hàng thuộc top sau về tổng lợi nhuận nhưng ghi nhận mwscc tăng trưởng khá. Cụ thể, SHB đạt lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm là 6.073 tỷ đồng, tăng cao so với cùng kỳ. VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 5.640 tỷ đồng, tăng 12%.

HDBank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất 6 tháng 2023 đạt gần 5.500 tỷ đồng, tăng 3,4% và nối mạch tăng trưởng 10 năm liên tiếp. Hay MSB sau 6 tháng đầu năm lãi 3.548 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dương, một nửa số ngân hàng trong hệ thống có mức lãi sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

VPBank là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh nhất trong top 10. Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng mẹ VPBank có lãi trước thuế gần 7.900 tỷ đồng nhưng công ty con FE Credit thua lỗ đã kéo lợi nhuận hợp nhất nhà băng này xuống còn hơn 5.100 tỷ đồng, giảm tới 66% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm nay của ABBank giảm 59% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 679 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm.

Techcombank đứng thứ 5 về xếp hạng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, đạt gần 11.300 tỷ đồng, nhưng con số này vẫn giảm 20% so với cùng kỳ.

Tương tự, TPBank báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3.383 tỷ đồng. Con số này chưa đạt 50% so với lợi nhuận cả năm dự kiến của ngân hàng này là 8.700 tỷ đồng.

LPBank cũng báo lợi nhuận lao dốc 31,8% khi chỉ đạt lãi trước thuế sau 6 tháng 2.446 tỷ đồng, mới hoàn thành 41% kế hoạch năm đặt ra.

Ngân hàng Bản Việt (BVBank) có lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm giảm tới 89% so với cùng kỳ, xuống còn chưa đầy 40 tỷ đồng.

Ngoài ra, danh sách ngân hàng sụt giảm lợi nhuận trong nửa đầu năm còn có SeABank (2.016 tỷ đồng, giảm 28%), Eximbank (1.405 tỷ đồng, giảm 26%), VietABank (522 tỷ đồng, giảm 16%), BaoVietBank (25 tỷ đồng, giảm 7%), NCB (14 tỷ đồng, giảm 28%).

Chỉ riêng VietBank báo cáo lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 369 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm 2022.

Có thể thấy, lợi nhuận giảm tốc là điều đã được dự báo trước khi các ngân hàng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tác động tiêu cực của cuộc đua lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng sụt giảm, sự suy yếu của chất lượng tài sản, sự gia tăng của nợ xấu và phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Hà Ly (t/h)